văn học trung kỳ Heian

Văn học thời trung kỳ Heian Nhật Bản

Như chúng ta đã biết, thời kỳ Heian (平安, Hán Việt là “Hòa bình”) là thời kỳ kế tiếp thời kỳ Nara 710 – 794, kéo dài từ năm 794 – 1185. Đây chính là thời kì phân hóa cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản cổ đại, là giai đoạn đỉnh cao của quyền lực Nhật hoàng. Trong giai đoạn này, nền thơ ca, văn học đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Do khối lượng nền kiến thức khá đồ sộ nên bài viết này sẽ chỉ đề cập đến nền văn học thời trung kỳ Heian.

Về bối cảnh lịch sử, vào trung kỳ thời Heian, ở đại lục có nhiều biến động. Cuối thế kỉ 9, nhà Đường đang đứng mấp mé bên bờ vực, tình hình chính trị không ổn định. Do đó, năm 894, đại thần và học giả Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân) đã kiến nghị lên triều đình yêu cầu ngưng lại tất cả những chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Vì vậy, trong thời kì này ảnh hưởng từ văn hóa đại lục vào Nhật Bản ngày càng giảm. Tuy nhiên, với những tinh hoa đã tiếp nhận và hấp thụ từ văn hóa đại lục trước đó, cùng với tài năng tiềm tàng, người Nhật đã hình thành và phát triển nên một nền văn hóa rực rỡ mang đậm tính dân tộc cùng với sự hưng thịnh của dòng họ Fujiwara.

Có thể nói, trong thời kỳ Heian đã chứng kiến sự thành công vang dội của các nhà văn, nhà thơ nữ, và phần lớn họ thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu cung đình. Sáng tác của họ thường là những ghi chép lại cuộc sống, kinh nghiệm của mình và nhất là những trải nghiệm trong chốn phồn hoa nơi đô hội. Dưới ngòi bút của nữ giới, sự nở rộ của các thể loại văn học quan trọng như nhật ký (nikki), tùy bút (zuihitsu) và truyện kể (monogatari), tạo ra một nền văn học Heian đầy trữ tình, ngọt ngào và nữ tính.

 

1. Truyện kể

Nổi bật là cuốn tiểu thuyết truyền kì “Ông lão đốn trúc” (竹取物語 – Taketori monogatari – Trúc thủ vật ngữ), không rõ tác giả, được viết vào cuối thế kỉ 9. Truyện đã sử dụng khéo léo mô típ những truyền thuyết có trước đó, được coi là điểm khởi đầu của văn học truyện kể. Đến thế kỉ 10, có “Truyện Bộng Cây” (宇津保物語 – Utsuho Monogatari – Vũ Tân Bảo Vật Ngữ). Truyện miểu tả sinh động về một xã hội quý tộc, những khung cảnh sinh hoạt cung đình, cuộc tranh chấp quyền lực, cuộc kén rể,… của con người đương thời. Truyện gồm 22 quyển, dài bằng 3/5 “Truyện Genji”. Hay “Truyện Hầm nhà” (落窪物語 – Ochikibo Monogatari – Lạc Oa Vật Ngữ), xoay quanh câu chuyện giữa mẹ ghẻ – con chồng. Cũng như “Utsuho Monogatari”, “Ochikubo Monogatari” cho ta thấy được cuộc sống sinh hoạt của người đương thời cũng như những diễn biến tâm lý của các nhân vật một cách hiện thực, sinh động, mà không dựa vào các yếu tố siêu nhiên hay phi phàm.

Bên cạnh truyện truyền kì, còn có truyện thơ “Truyện vùng Ise” (伊勢物語 – Ise monogatari – Y Thế vật ngữ) được viết vào đầu thế kỉ 10. Truyện gồm 125 đoạn ngắn, chủ yếu viết bằng thơ. Truyện xoay quanh cuộc đời tình ái là cốt lõi với nhân vật chính là Ariwara no Narihita (825 – 880). Sau đó là “Truyện vùng đất Yamato” (大和物語 – Yamato Monogatari – Đại Hòa Vật Ngữ). Truyện thơ có khoảng 300 bài thơ. Truyện không có nhân vật trung tâm, mà chỉ nói về cuộc sống sinh hoạt và những trao đổi thơ văn tặng đáp hay luyến ái của những người có thật vào thời Thiên hoàng thứ 59 (Uda, trị vì 887 – 897), lúc đã ẩn cư ở Đình Tử Viện. Phần sau nói về các truyền thuyết, sự tích, thần thoại lưu hành trong dân chúng.

Đặc biệt, sang thế kỉ 11 có tác phẩm “Truyện chàng Genji” (源氏物語 – Ise monogatari – Nguyên Thị vật ngữ) của nữ quan Murasaki Shikibu[1], được viết vào khoảng thời gian giữa năm 1008 – 1020, là lúc nhà Fujiwara Michinaga ở thời kì vinh hoa nhất, là thời kì toàn thịnh của xã hội quý tộc. Đây là một tiểu thuyết trường thiên đáng tự hào của người Nhật, có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử văn hóa Nhật Bản. Tác phẩm lấy đề tài là cuộc sống hàng ngày của giới quý tộc. Nó đã đánh dấu một giai đoạn trọng yếu trong sự phát triển của ngôn ngữ. Sự khác biệt về mặt ngôn ngữ giữa những nhà viết tiểu thuyết trước đó và Murasaki rất đáng kinh ngạc. Bà đã sử dụng nhiều câu dài, phức tạp và đã khai thác khá triệt để giá trị của từ ngữ. Murasaki viết “Truyện chàng Genji” trong thời gian lui về sống trong đền Ishiyama bên hồ Biwa, với cảm hứng của những đêm trăng huyền ảo lung linh dưới đáy hồ. Vẻ đẹp đầy tính chất huyền thoại và đậm màu sắc hội họa đó đã in dấu trong nhiều phần của tác phẩm. Tác phẩm xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji, con trai một tỳ thiếp của vua, hào hoa tuấn tú, lịch lãm nghệ thuật và say mê phiêu lưu ái tình. Trong cuốn tiểu thuyết này, cuộc sống trong cung đình, những mối quan hệ xã hội cũng như tình cảm riêng tư của các nhân vật đều được mô tả hết sức kĩ càng cà tinh tế. Tác phẩm là một trong những truyện rất lớn về dung lượng, rất phức tạp về nội dung và rất quyến rũ về mặt hình thức trong lịch sử văn học Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. “Truyện chàng Genji” gồm 54 tập, trong đó 44 tập nói về cuộc đời của Genji, và 10 tập sau nói về con trai của Genji.

 

2. Nhật kí, tùy bút

Về thể loại nhật ký, xuất hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong đó phải kể đến tác phẩm “Nhật kí Tosa” (土佐日記 – Tosa nikki – Thổ Tá nhật kí) của Ki no Tsurayuki[2], ra đời năm 935, được coi là tác phẩm nhật kí đầu tiên. Thực chất trước đó, “nikki” viết bằng chữ kana đã xuất hiện từ trước đó để ghi lại một số sự việc, chẳng hạn như diễn biến của những cuộc thi tài ở các cuộc bình thơ (uta awase). Tuy nhiên, những ghi chép này còn mang tính công cộng, và khi tác phẩm “Nhật kí vùng Tosa” ra đời thì thể loại nhật kí (nikki) mới được coi là một hình thức văn chương. Trong cuốn nhật kí này, Tsurayuki đã ghi chép chi tiết về cuộc hành trình 55 ngày đường của mình từ Tosa (nay là tỉnh Kochi, phía nam đảo Shikoku), nơi ông vừa thôi việc quận thú (kami), về đến kinh đô. Tuy tác phẩm được viết bởi một người đàn ông, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc mở đường cho một dòng văn học quan trọng của Nhật Bản: văn học nữ lưu (女流文学), gồm nhật kí và tùy bút.

Hay cuốn “Nhật kí Kagero” (蜻蛉日記 – Kagero nikki – Tinh Đình nhật kí) do mẹ của Fujiwara no Michitsuna[3] viết, ra đời năm 974, gồm ba quyển thượng, trung, hạ. Quyển thượng ghi lại những sự việc trong 15 năm đầu, được viết bằng văn vần; quyển trung, hạ viết bằng hình thức văn xuôi. Nhật kí ghi chép từ lúc năm 19 tuổi, bà được Fujiwara Kaneie (thuộc dòng dõi quyền quý) cầu hôn cho đến năm 40 tuổi, nghĩa là 21 năm của cuộc sống vợ chồng. Bà được sinh ra trong một gia đình tiểu quý tộc địa phương nhưng nhờ duyên phận mà được lọt vào gia đình đại quý tộc. Bà là vợ hai, chồng có vợ lớn riêng, lại háo sắc cho nên bà hết sức đau khổ khi chồng bà không đến thăm mình. Vận mệnh mà người phụ nữ phải chịu trong chế độ hôn nhân thăm vợ, cùng với sự độc lập về tinh thần chồng chất lên nhau một cách bi kịch. Cho nên người phụ nữ đã tự mình giải cứu khỏi những bi kịch đó, va văn nghệ nhật kí trác tuyệt được sáng tạo ra[4]. Những điều ghi trong nhật kí là chuỗi ngày không được đầm ấm với chồng cho đến khi không trông cậy được vào con trai mình.

Tác giả của truyện Genji, Murasaki Shikibu khi bị góa chồng thành người hầu trong hậu cung đã viết “Nhật kí của Murasaki Shikibu” (紫式部日記 – Murasaki Shikibu nikki – Tử Thức Bộ nhật kí), được hoàn thành vào năm 1010. Là một nữ quan hầu cận hoàng hậu Shoushi (Chương Tử), nên bà hiểu rất rõ cuộc sống xa hoa, lộng lẫy của chốn cung đình. Từ quang cảnh hoàng hậu lâm bồn đến mọi lễ nghi trong cung, bà đều mô tả rõ ràng.

Một số tác phẩm khác như “Nhật kí của Izumi Shikibu” (和泉式部日記 – Izumi Shikibu nikki – Hòa Tuyền Thức Bộ nhật kí) của Izumi Shikibu[5], viết vào đầu thế kỉ 11. Bản thân bà là một người rất phong lưu. Bà lấy chồng hai lần, ngoài ra, giữa hai cuộc hôn nhân, bà có cuộc tình ái sóng gió với nhiều người đàn ông khác. Tập nhật kí ghi lại cuộc tình duyên 10 tháng giữa bà và một trong những người yêu, thân vương (hoàng tử) Sochi no Miya Atsumichi. Tác phẩm được viết theo dạng bán tự chuyện vì thường được kể bằng ngôi thứ ba và phần lớn đã được nhào nặn hư cấu đi nhiều. Nhật kí vẽ ra một thế giới tình ái thơ mộng của hai người. Người ta nói rằng, Izumi Shikibu viết nó chỉ để thanh minh cho cuộc sống phóng túng của bà mà thôi.

Tác phẩm “Nhật kí Sarashina” (更級日記 – Sarashina nikki – Canh Cấp nhật kí) do con gái của Sugawara no Takasue[6] viết vào khoảng năm 1060. Nhật kí lấy Sarashina (tức là vùng núi non thuộc tỉnh Nagano, phía bắc Tokyo bây giờ) làm bối cảnh. Có thể vì Toshimichi, chồng bà, từng làm chức quận thú (kami) ở Shinano, tức xung quanh vùng này. Nhật kí bắt đầu kể về thế giới thơ mộng của vùng Kazusa (một phần của Chiba bây giờ) ở miền Đông, thuở ấy rất hoang vu, nơi bà sống với cha suốt thời thơ ấu. Sau đó là những hiện thực phũ phàng lúc lớn lên (chồng chết năm 1058) và tuổi già thì đi tìm nơi an ủi cõi lòng – lòng tin vào tôn giáo. Tác phẩm đã mô tả thành công tâm trạng buồn thương của cảnh cô độc góa bụa và bàn luận một cách thấm thía về cái bèo bọt vô nghĩa của kiếp người.

Ngoài những tác phẩm nói đến ở trên, có thể kể thêm “Thành Tầm A Xà Lê Mẫu Tập” (成尋阿闍梨母集– Joujin Ạjari no haha no shuu, được viết vào năm 1073, kể về nỗi khổ của bà mẹ của nhà sư Joujin khi đưa chân con lên đường qua Trung Quốc hành hương các di tích của Phật Giáo. Trong tác phẩm, mọi tâm trạng của người mẹ đối với con đã được miêu tả tường tận. Hay cuốn“Tán Kỳ Điển Thị nhật ký” (讃岐典侍日記 – Sanuki no suke nikki), viết năm 1108, do chức nữ quan hầu cận tên gọi Fujiwara Nagako viết, kể lại sự tình từ lúc Thiên hoàng thứ 73 (Horikawa, trị vì 1087-1107 ) phát bệnh, băng hà cho đến khi tân quân lên kế vị. Tác giả ghi chép tỉ mỉ về cái chết của thiên hoàng và sau khi vua mới là Thiên hoàng thứ 74 (Toba, trị vì 1107-1123) lên ngôi, vẫn hoài niệm về vua cũ.

Về thể loại tùy bút, đáng chú ý nhất là tùy bút “Sách gối đầu” (枕草子 – Makura no soushi – Chẩm Thảo Tử) của Sei Shounagon[7], vốn được so sánh là kiệt tác văn học có thể sánh ngang với “Truyện chàng Genji”. Tương truyền, vì thời đó giấy rất hiếm, bà phải giả vờ xin Hoàng hậu Teishi (Định Tử) giấy (soushi – thảo tử) về làm gối (makura – chẩm) nhưng sau đó dùng để ghi chép những tâm sự thầm kín của mình. Cũng có thuyết cho rằng, nhờ có Hoàng hậu ban cho giấy để dùng, Sei Shounagon nhân đó mới viết được tác phẩm, do đó nó là một thứ rất quan trọng (từ “chẩm” nghĩa là cái gối, ý nói tác phẩm là rất quan trọng, gần gũi với mình). Sei Shounagon viết “Chẩm thảo tử” trong những ngày tháng suy tàn của nhánh gia đình Hoàng hậu Teishi, người mà bà hầu cận, sau cái chết của quan bạch Fujiwara Michitaka. Thời kì huy hoàng và thịnh vượng của một dòng dõi quý tộc Fujiwara đã vĩnh viễn tàn lụi, thế lực nhánh Fujiwara Michinaga đang lên và dần dà làm chủ tình hình chính sự cũng như mọi ưu đãi về quyền lực. Tình thế của Hoàng hậu Teishi sau cái chết của cha cực kỳ khổ tâm và bi đát: mất cha, hai người anh ruột bị lưu đày, vị thế của bà trong nội cung dần bị thay thế bởi Hoàng hậu Akiko. Ngay cả tình yêu và sự quan tâm của Thiên hoàng Ichijou cũng dần chuyển sang cho Hoàng hậu mới. Bà đã chết sau khi hạ sinh đứa con cuối cùng. Màu sắc ảm đạm và bi kịch tràn ngập nội cung Hoàng hậu Teishi. Nỗi đau mất người thân, nỗi buồn cô độc vì sự thất sủng của Thiên hoàng, nỗi ngậm ngùi vì sự đối xử tàn nhẫn của người chú ruột và sự xa lánh của người quen đủ trùm phủ màu đen tối và u buồn lên một tâm hồn phụ nữ yếu đuối và đơn độc.

Hoàn thành năm 1001, “Chẩm thảo tử” là một cuốn sách dài, gồm 300 đoạn, chia làm 3 phần với cách viết khá tự do. Phần một nói về cái đẹp của vạn vật. Phần hai là phần tùy bút, trong đó tác giả ghi lại những ý kiến, suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân mình về thế giới xung quanh, trước thiên nhiên và con người. Phần ba là phần nhật kí, hồi tưởng, ghi chép những điều bà nghe thấy trong cung, xoay quanh cuộc sống đài các và tao nhã của Hoàng hậu Teishi, một người xinh đẹp và thông minh hoàn hảo. Tác phẩm viết về mọi thứ từ kinh nghiệm, điều nghe thấy, cảm tưởng về cuộc sống chung quanh, và tập trung vào thế giới hậu cung xung quanh hoàng hậu Teishi. Cách hành văn trong tác phẩm rất ngắn gọn, ngòi bút miêu tả tự do mà sâu sắc, tinh tế.

Trong cuốn “Nhật Bản hôm qua và hôm nay” (1971), Ivan Moris đã viết: “Nếu như thời đại của Murasaki (nữ nhà văn huyền thoại, tác giả Truyện chàng Genji) chẳng đóng góp gì đáng kể cho tiến trình tư tưởng của nhân loại, và còn ít hơn nữa cho thể chế chính quyền hay cơ cấu xã hội thì phải nhớ đến đường lối mà con người thời ấy theo đuổi sự tôn thờ cái đẹp trong nghệ thuật lẫn thiên nhiên. Chính điều đó đã giữ một phần rất quan trọng trong lịch sử văn hóa Nhật Bản và có thể là phần cống hiến vĩ đại nhất của xứ sở đối với nhân loại” (trích “Đại cương văn hóa phương Đông”, NXB Giáo dục, 1996). Đó quả là một nhận xét tinh tế về văn học dân tộc nói riêng và văn hóa Nhật Bản thời Heian nói chung, thời đại thịnh hành của dòng học Fujiwara.

Như vậy, có thể nói, trong thời Heian, các nhà văn nữ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn học Nhật Bản. Trong khi các đấng mày râu thương lưu và trung lưu còn say sưa với chữ Hán thì những người phụ nữ Nhật Bản đã rất thành thạo chữ kana và viết nên những tác phẩm nổi tiếng bằng chữ viết của đất nước mình. Khác với nam giới thích khoa trương hiểu biết về văn hóa Hán, nữ giới lại thể hiện mình một cách tự nhiên, họ viết về bất cứ thứ gì họ cảm nhận và yêu thích, họ tự do viết tiểu thuyết, làm thơ, viết tùy bút, nhật kí,… Có lẽ chính vì vậy mà văn học thời kì này có mang nét vô cùng phóng khoáng, tươi mát, giàu cảm xúc, chứ không khô cằn, tẻ nhạt, khoe kiến thức như các học giả nam tạo ra. Với việc sáng tác những tác phẩm đồ sộ bằng chữ kana, những người phụ nữ Nhật không những đã làm cho văn học dân tộc phát triển, mà còn làm cho hệ thống chữ viết của Nhật phát triển hơn.

 

3. Thơ ca

3.1. Thơ Waka (和歌 Hòa ca)

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thể loại văn xuôi, các tác phẩm thơ theo hình thức gọi là waka (和歌 – Hòa ca) cũng được đánh giá cao. Đây là thể thơ được viết bằng hệ chữ kana, mỗi bài có số lượng 31 âm tiết, chia thành 5 năm dòng với số lượng âm tiết ở mỗi dòng lần lượt là 5-7-5-7-7.  Waka có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời cùng với bề dày của lịch sử đất nước Nhật Bản. Lúc đầu, Waka được dùng để chỉ chung cho nhiều thể loại thơ khác nhau của Nhật Bản như Tanka (bài ngắn), Chouka (bài dài), Sedouka (bài đối đáp),… nhưng về sau, trong quá trình phát triển của thơ Nhật Bản, các tên gọi cũng như sự phân biệt giữa chúng không còn mang tính chất đặc trưng như ban đầu, bản thân các loại thơ cũng dần thay đổi, chỉ còn lại thể Tanka là phổ biến và định hình hơn cả nên Waka cũng có thể được hiểu là Tanka.

Những nhà thơ tiêu biểu cho dòng thơ waka của thời này đã xuất hiện vào nửa sau thế kỷ thứ 9. Họ là 6 vị được xưng tụng là Rokkasen ( 六歌仙 Lục ca tiên) tức 6 thi hào waka, gồm: Soujou Henjou (僧正遍昭 – Tăng chính Henjou), Vương tử Ariwara Narihira (在原業平 – Tại Nguyên Nghiệp Bình), Nữ quan Ono no Komachi (小野小町 – Tiểu Dã Tiểu Đinh), Nhà sư Kisen (僧喜撰 – Tăng Hỷ Soạn), Funya no Yasuhide (文屋康秀 – Văn Ốc Khang Tú) và Ootomo no Kuronushi (大友黒主 – Đại Bạn Hắc Chủ). Nhận xét về Rokkasen, Ki no Tsurayuki viết:

“Từ sau đời các thiên hoàng ở Nara, không còn ai làm thơ hay bằng (Kakinomoto no) Hitomaro nữa. Chỉ có nhóm sáu người ca tiên(Rokkasen) là Henjô (Chính Biến), Narihira (Nghiệp Bình), Yasuhide (Khang Tú), Kisen (Hỉ Soạn), Komachi (Tiểu Đinh) và Kuronushi (Hắc Chủ) đáng được để ý. Họ đều có ưu điểm lẫn khuyết điểm.

Tăng Henjô làm thơ thành thạo nhưng không thực. Giống như đi yêu điên cuồng người đẹp trong tranh. Narihira thì tình cảm dạt dào nhưng thiếu lời để diễn tả. Như màu sắc còn đọng lại trên hoa tàn. Yasuhide kỹ thuật tinh xảo nhưng chuộng kiểu cách quá nên thơ hóa rỗng, giống như chú lái buôn diện quần áo bảnh. Sư Kisen thì dùng chữ không biết móc nối, trước sau thiếu rõ ràng, khác nào trăng thu đẹp lại bị mây che khuất. Thơ bà Komachi sầu thảm, yếu ớt như con gái nhà quí phái đang lâm bệnh. Thơ Kuronushi có vẻ thấp hèn như ông tiều mang gánh củi đang nghỉ mệt dưới gốc anh đào”.[8] (Trích từ Kanajo)

Thay vào những thi tập chữ Hán được soạn theo sắc chiếu cho đến lúc đó, năm 905 (Engi 5), Thiên hoàng Daigo (Đề Hồ) ra lệnh soạn tập thơ waka đầu tiên. Đây là tuyển tập thơ waka đầu tiên được soạn theo chiếu chỉ. Đó là tác phẩm mang tên “Kokin Wakashuu (古今和歌集 – Cổ Kim Hòa Ca Tập), có nghĩa là “Tập thơ waka xưa và nay”, còn có tên gọi khác là (古今集) được viết bằng chữ kana, biên tập bởi một nhóm văn nhân dưới sự chỉ đạo của Ki no Tsurayuki. Tập thơ gồm 20 phần với 1111 bài thơ,  trong đó có 1100 bài nằm ở phần chính và có 11 bài thuộc các bài thơ được bổ sung về sau nằm ở phần phụ của tác phẩm. Bên cạnh đó, tập thơ còn có kèm hai bài tựa (jo), trong đó một bài tựa bằng kana (kanajo) do Ki no Tsurayuki viết, một bài tựa bằng chữ Hán (manajo) do Ki no Yoshimochi viết. Tuy hai bài viết bằng hai lối chữ khác nhau nhưng nội dung đều hướng tới bản chất và lịch sử của waka và bình luận về thơ của “Rokkasen” (Lục Ca Tiên). Đặc biệt bài tựa viết bằng kana, không những trình bày về nguồn gốc, lịch sử, phong cách của thơ waka mà còn nói lên chủ trương về vai trò đối đầu của waka với thơ chữ Hán, bày tỏ ý thức dân tộc của người soạn ra nó. Trong lời tựa kanajo, Kino Tsurayuki, đã nói về ý nghĩa việc làm của họ:

“Waka là hạt giống gieo trong lòng người để nẩy ra vô số lá tức là lời nói. Người ta sống trên đời ở vào trường hợp nào thì tùy theo sự việc xảy ra lúc ấy mà suy nghĩ, lấy những điều mắt được thấy tai được nghe gửi vào âm thanh để phát ra tiếng nói. Chỉ cần nghe lời ca của thiên nhiên từ miệng con oanh, con ếch thì ắt hiểu các giống sinh vật đều biết ca vịnh. Không cần ra sức mà lay chuyển được đất trời, làm xúc động những sức mạnh siêu tự nhiên, giúp cho nam nữ hòa hợp, làm dịu dàng cả lòng người vũ sĩ thô bạo, thì không có gì khác ngoài waka.

Waka đã bắt đầu từ thuở khai thiên lập địa nhưng truyền được tới ngày nay là những bài chư thần ca vịnh thấy chép lại trong Nihon Shoki. Ba mươi mốt âm theo thể 5-7-5-7-7 là hình thức thấy lần đầu tiên trong thơ ngài Susanô no Mikoto như bài Yakumotatsu […] rồi từ đó đến nay, nó đã chứa chất biết bao nhiêu bài ca, tiếng nói của lòng người. Bài Naniwazu ni (lược) của Wani làm để chúc mừng lúc thiên hoàng Nintoku lên ngôi, bài Asakayama (lược) của nàng Unume khi đón tiếp hoàng tử Katsuragi no Ôkimi là những bài thơ căn bản của waka mà cho đến nay, trẻ con tập viết đã phải học.

Trung quốc có lục nghĩa tức sáu phép làm thơ. Waka cũng có sáu phép là Soe-uta (phúng thích ca), Kazoe-uta (số ca), Nazurae-uta(chuẩn ca), Tatoe-uta (tỉ dụ ca), Tadagoto-uta (đồ ngôn ca) và Iwai-uta (chúc ca). Cách phân loại này dựa trên việc tâm trạng con người được thể hiện bằng lời nói như thế nào. Như phép Tadagoto-uta là cách bày tỏ y nguyên lòng mình , không ví von gì cả. Phép Nazurae-uta dùng thí dụ, kết hợp miêu tả sự vật với bày tỏ tâm tình.Còn Soe-uta là lối thơ trình bày trên mặt một vật gì để giúp hiểu ngầm về một điều khác. Tuy nhiên, lắm khi không dò được thâm ý của tác giả.

Những năm gần đây, lòng người trở nên hời hợt, từ đó nội dung của waka có những lời lẽ không xứng đáng, chỉ còn là trò chơi của bọn nam nữ đam mê sắc dục, không còn đem trình bày nơi công cộng được nữa. Xưa kia, Waka thật ra đâu phải vậy. Các vị thiên hoàng đời trước ra lệnh cho quần thần làm thơ là để phán đoán xem ai có tài ai không. Waka bắt đầu bằng những lời chúc tụng, cảm tạ thiên hoàng, sau nói đến tình yêu, tình bạn, than tuổi già, hoài cổ, buồn việc đời vô thường, hận cảnh vinh khô thịnh suy. Nó là vật dùng để xoa dịu nỗi lòng của người ta trước những điều không kham được”.[9]

Như đã trình bày, tập thơ gồm 20 phần, thường được gọi là 20 quyển, với các chủ đề chính và số lượng bài trong từng quyển như bảng sau:

Bảng: Chủ đề chính và số lượng bài trong 20 quyển của Kokinshū

(Nguồn : “Kokinwakashū” của tác giả Ozawa Masao)

STT Tiếng Nhật Phiên âm Romaji

Nghĩa tiếng Việt

Số lượng bài
1 春歌上 Haru no uta (Jō) Thơ mùa xuân (thượng) 68
2 春歌下 Haru no uta (Ka) Thơ mùa xuân (hạ) 66
3 夏歌 Natsu no uta Thơ mùa hạ 34
4 秋歌上 Aki no uta (Jō) Thơ mùa thu (thượng) 80
5 秋歌下 Aki no uta (Ka) Thơ mùa thu (hạ) 65
6 冬歌 Fuyu no uta Thơ mùa đông 29
7 賀歌 Ga no uta Thơ chúc tụng 22
8 離別歌 Ribetsu no uta Thơ ly biệt 41
9 羇旅歌 Kiryo no uta Thơ lữ hành 16
10 物名歌 Butsumei no uta Thơ vạn vật 47
11 恋歌一 Koi no uta (ichi) Thơ tình yêu (Tập 1) 83
12 恋歌二 Koi no uta (ni) Thơ tình yêu (Tập 2) 64
13 恋歌三 Koi no uta (san) Thơ tình yêu (Tập 3) 61
14 恋歌四 Koi no uta(yon) Thơ tình yêu (Tập 4) 70
15 恋歌五 Koi no uta (go) Thơ tình yêu (Tập 5) 82
16 哀傷歌 Aishō no uta Thơ bi thương 34
17 雑歌上 Zatsu no uta (Jō) Một số chủ đề khác (Tập trước) 70
18 雑歌下 Zatsu no uta (Ka) Một số chủ đề khác (Tập sau) 68
19 雑躰 Zatsutei Thơ nhiều thể loại 68
20 大歌所御歌 Ōutadokoro o-uta Thơ Nghi lễ triều đình 32

 Từ bảng trên, có thể thấy, trong 20 chủ đề của tác phẩm thì thiên nhiên và tình yêu là hai chủ đề chính chiếm số lượng bài nhiều nhất. Nội dung thơ về thiên nhiên chiếm tới 6 quyển, từ quyển số 1 đến số 6, gồm 342 bài và chủ đề về tình yêu chiếm 5 quyển, từ quyển số 11 đến số 15, gồm 360 bài. Về thể loại, hầu hết tập thơ “Kokinshu” là các bài tanka, ngoài ra có 5 bài chouka và 4 bài Sedoka được đưa vào quyển thứ 19. Riêng thơ trong quyển thứ 20 được viết theo thể thức ca khúc do Ban nhạc của Triều đình Outadokoro chịu trách nhiệm quản lý và tập dượt âm nhạc để biểu diễn tại các nghi lễ trong cung đình.

Về các thời kì sáng tác trong tác phẩm Kokinshu, chia thành 3 thời kì chính: Thời kỳ thứ nhất gắn với tài nghệ của các tác giả vô danh. Các bài thơ của họ chiếm 30 – 40% của toàn thể tập thơ, có thể xem như những bài waka sau thời “Manyoshuu” được truyền tụng lại cho đến các bài ra đời vào đầu thời Heian. Ca phong của giai đoạn này thô sơ, chất phác và theo thể 5-7 chữ. Thời kỳ thứ hai chính là thời của sáu thi sĩ nổi tiếng Rokkasen ( khoảng từ năm 850 đến năm 890). Và thời kỳ thứ ba là thời của các nhà biên soạn tác phẩm này. Đó là những nhân vật. Đó là : Ki no Tsurayuki, là người chủ biên, thơ ông thiên về lý trí; Ki no Tomonori với ca phong hoa lệ, uyển chuyển; Oshikochi Mitsune, thiên về thơ khánh hạ hoặc thơ đề trên tranh bình phong; Mibu no Tadamine với ca phong ấm áp, tao nhã.

Trong đó ta thấy cả một ca phong tinh tế và kỹ xảo gọi là Kokinchou (Cổ Kim điệu), nó sẽ là mẫu mực lâu dài về sau cho các nhà thơ Nhật Bản. Trong khoảng thời gian từ khi nó ra đời cho đến tập Shin Kokin (Tân Cổ Kim) của thời Kamakura, đã có tất cả 8 tuyển tập thi ca soạn theo chiếu chỉ của thiên hoàng, gọi chung là Hachidaishuu (Bát đại tập, 8 tập thơ của 8 đời). Đó là Kokinshuu (Cổ kim tập), Gosen Wakashuu (Hậu tuyển Hòa ca tập, năm 951), Shui Wakashuu (Thập di Hòa ca tập, năm 998), Go shui Wakashuu (Hậu thập di Hòa ca tập, năm ?), Kinyo Wakashuu (Kim diệp Hòa ca tập, năm 1127), Shika Wakashuu (Từ hoa Hòa ca tập, năm 1151 – 1154), Senzai Wakashuu (Thiên tải Hòa ca tập, năm 1183), và Shin Kokin Shuu (Tân cổ kim tập).

Có thể nói, Kokinshuu là tuyển tập thơ lớn thứ hai sau tập Manyoshuu, và cũng là tuyển tập đầu tiên được biên soạn theo chiếu chỉ của Thiên hoàng. Sau cuốn này, một loạt các tập thơ khác cũng được soạn theo chiếu chỉ. Điều này khẳng định xu hướng coi trọng những giá trị dân tộc của người Nhật, góp phần vun đắp và tạo dựng văn hoá truyền thống của Nhật trước những ảnh hưởng của xã hội từ bên ngoài.

3.2. Lãng vịnh (朗詠)

Trong thời kì này có bộ ngâm thơ nổi tiếng là “Wakan roueishuu” (和漢朗詠集 – Hòa Hán Lãng Vịnh Tập) của Fujiwara Kinto (藤原公任), hoàn thành vào năm 1013 (?). Tác phẩm gồm 588 bài thơ chữ Hán và 216 bài thơ waka. Lần đầu tiên trong văn học Nhật Bản có một tập thơ gồm hai loại gộp chung nhiều như vậy, cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa hai thể loại waka của Nhật Bản và văn thơ chữ Hán. Trong số 588 bài thơ chữ Hán thì có 354 bài do người Nhật viết. Đó là các ông Sugawara no Fumitoki (44 bài), Sugawara no Michizane (38), Ôe no Asatsuna (30), Minamoto no Shitagô (30) và Ki no Haseo (22). Phần còn lại (234) thì chủ yếu là hai thi sĩ: Bạch Cư Dị (139) và Nguyên Chẩn (11). Về các bài thơ waka, có hai nhà thơ nổi bật: Ki no Tsurayuki (26) và Ôhikôchi no Mitsune (12).

Về bố cục, trong quyển thứ nhất được sắp theo lối Kokinshuu, thu thập thơ chủ đề bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông với phân tiết: tảo xuân, chim oanh, hoa mơ, liễu,… Đến quyển thứ hai tách ra khỏi lối sắp xếp theo Kokinshuu, chỉ có một phần nhỏ nói về luyến ái, còn lại là các chủ đề đa dạng khác.

Tóm lại, trong thời kì này, với sự phát triển và phổ biến nhanh chóng chữ kana, nền văn học Nhật Bản phát triển rực rỡ với nhiều thể loại khác nhau từ truyện kể, nhật kí, tùy bút, đến thơ waka. Đồng thời đây cũng là thời kì mà dòng văn học nữ lưu gặt hái nhiều thành công nhất. Từ đây cũng cho ta thấy được vai trò quan trọng của phụ nữ Nhật Bản trong sự phát triển của văn học Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.

 

Chú thích: 

[1] Murasaki Shikibu (紫式部, 978 – 1016), không rõ tên thật, thuộc dòng dõi Fujiwara Takako, sống vào khoảng trung – cuối thời kỳ Heian. Chịu nhiều đau khổ và sâu sắc trong đời tư nên Murasaki đã sớm rút khỏi thế giới trần tục và dồn tâm trí vào việc học và sang tác nghệ thuật.

[2] Ki no Tsurayuki (紀貫之, 868? – 945?), là một triều thần, một nhà thơ, nhà văn học nổi tiếng thời Heian. Ông được biết đến với tư cách là người viết tác phẩm “Nhật kí Tosa” và là người biên soạn “Cổ Kim Hòa Ca Tập”.

[3]  Mẹ của Fujiwara no Michitsuna (藤原道綱, 929 – 990), không biết rõ tên thật. Bà là vợ của quân bạch Fujiwara Kaneie và là con gái của Fujiwara Takasue; bà cũng là dì của tác giả cuốn “Sarashina nikki” (sẽ nói sau).

[4] http://www.erct.com/2-ThoVan/LNThao/Vanhoasu/VHS-04.htm

[5] Izumi Shikibu (和泉式部, 974/976 – ?), không rõ tên thật. Bà là con gái của Oe no Masamune, một nhà thơ lớn; là mẹ của nữ sĩ Koshikibu, cũng là một nhà thơ. Bà được coi là một trong những thi sĩ xuất sắc nhât thời Heian. Cuộc đời của bà hết sức phong lưu và khá trọn vẹn. Sau này, bà được liệt vào danh sách Ba mươi sáu thi tiên của Nhật Bản.

[6] Con gái của Sugawara no Takasue (菅原孝標女, 1008 – ?), không rõ tên thật, là  con gái nhà Sugawara no Takasue. Dòng dõi Sugawara rất giỏi văn chương học vấn. Mẹ bà là con gái Fujiwara no Tomoyasu, nên gọi tác giả của cuốn “Kagero nikki” bằng dì. Bà kết hôn với Tachibana Toshimichi nhưng chồng chết, sống một tuổi già góa bụa.

[7] Sei Shounagon (清少納言, 966 – 1024?), không rõ tên thật, là con gái của nhà thơ waka nổi tiếng Kyorarano Motozuke, một trong Lê Hồ Ngũ Nhân, tức là Năm người làm việc trong Viện thi ca. Bà là người viết tuy bút về cuộc sống gia đình, xã hội, cung đình nổi tiếng trong thời kì Heian với ngòi bút nhẹ nhàng mà bén nhọn.

[8] Nguyễn Nam Trân (2014), “Tổng quan Lịch sử Văn học Nhật Bản”, quyển Thượng, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[9] Nguyễn Nam Trân (2014), “Tổng quan Lịch sử Văn học Nhật Bản”, quyển Thượng, NXB Giáo dục, Hà Nội.

 

Tài liệu tham khảo

  1. S. Sansom (1990), Lược sử văn hóa Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. Ngô Minh Thủy, (2010), Phụ nữ Nhật Bản và vai trò của họ đối với văn học, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, số 26.
  3. Nguyễn Nam Trân (2014), Tổng quan Lịch sử Văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  4. Nguyễn Quốc Hùng (2012), Lịch sử Nhật Bản, NXB Thế giới, Hà Nội.
  5. http://www.erct.com/2-ThoVan/LNThao/Vanhoasu/VHS-04.htm
  6. http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Nikki.htm
  7. https://gakumonsusume.wordpress.com/2015/10/05/waka-%E5%92%8C%E6%AD%8C/
  8. http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Kokin-waka-shu.htm

 

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

 

2 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *