Sự hình thành của ngành công nghiệp manga vào thập niên 60 của thế kỷ XX

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặt ra một yêu cầu khách quan cho tất cả các quốc gia trên thế giới – đó là việc xác định và thực hiện đúng hướng phát triển nhằm phát huy tối đa thế mạnh của đất nước. Văn hóa, đến với xã hội hiện đại đã tiến lên một vị thế mới – từ chỗ chỉ được coi là những giá trị tinh hoa, trừu tượng, bị giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp, đến sự phổ biến rộng rãi, mang tính đại chúng cao, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội. Đỉnh cao của sự thay đổi này chính là việc hình thành nên các ngành “công nghiệp văn hóa”.

Trên thực tế, một ngành công nghiệp văn hóa được hình thành phải trải qua một thời gian tương đối dài đủ để tạo lập nên một nền tảng, cơ sở vững chắc, là sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố khác nhau từ kinh tế, xã hội cho đến chính trị.

Sớm nhận thấy sức mạnh tiềm năng do khối ngành công nghiệp này mang lại, các nước trên thế giới dần quan tâm và chú ý nhiều hơn, đặc biệt ở các nước phát triển. Nhật Bản là một quốc gia đã phát triển ngành công nghiệp này từ rất sớm với doanh thu hàng năm luôn ở mức cao, trở thành “lực hấp hẫn” đối với các quốc gia khác. Một trong những ngành tiên phong trong lĩnh vực này là manga. Đây là ngành công nghiệp luôn đạt tốc độ phát triển cao, có sự liên kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác, là “quyền lực mềm” hết sức to lớn của Nhật Bản.

Có thể thấy hiếm có quốc gia nào trên thế giới lại đưa truyện tranh trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn để phát triển nền kinh tế như Nhật Bản. Hay nói cách khác, ở Nhật hội tụ đầy đủ các yếu tố quan trọng cho sự hình thành ngành công nghiệp manga mà ở nhiều nước không có.

1. Khái quát chung về ngành công nghiệp manga tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, truyện tranh – manga (漫画) luôn chiếm giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn hóa hơn là bất cứ một đất nước nào khác trên thế giới. Manga có lịch sử hình thành từ rất sớm. Nói về thuật ngữ “manga”, theo Bách khoa thư Nhật Bản (1995), “manga có nguồn gốc từ tranh biếm của Hokusai và các họa sĩ thời Tokugawa, nhưng dưới hình thức mới chúng nổi tiếng nhờ Tezuka Osamu, người đem nghệ thuật điện áp dụng vào truyện tranh truyền thống” [1].

Manga bao gồm rất nhiều thể loại. Tùy vào tiêu chí phân loại mà có các loại khác nhau. Dựa vào độ tuổi, manga gồm các loại chính sau: jido (hay kodomo) (dành cho nhi đồng từ 6-9 tuổi), shounen (dành cho nam thiếu niên 6-18 tuổi), shoujo (dành cho nữ thiếu niên 6-18 tuổi), seinen (dành cho thanh niên từ 18-40 tuổi), otona (dành cho lứa tuổi trung niên). Dựa vào nội dung, gồm: manga về lịch sử, truyền thuyết (reikishi, shikoma, denki), trường học (gakuen), tình yêu nhưng không có sự xuất hiện của tình dục (reidies), hài hước (gyagu, comedy, hora), quan hệ đồng tính nam (shonen-ai, yaoi), đồng tính nữ (shoujo-ai, yuri), giả tưởng (fanstasy), hành động (fighting, battle), kinh doanh (business), sự thần bí (mistery), tình dục (ero), cuộc sống đời thường (ningen dramar),…

Ngành công nghiệp manga có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản. Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, doanh thu từ manga khoảng 600 tỷ yên/năm, chiếm ¼ tổng doanh thu của toàn ngành xuất bản. Năm 1995, doanh thu từ ngành công nghiệp này đã lên tới 670 tỷ yên, chiếm 40% tổng số doanh thu của toàn ngành xuất bản. Tốc độ phát triển của ngành không ngừng tăng cao với quy mô tăng liên tục, đến năm 2013, nguồn lợi nhuận mà manga mang lại đạt 3669 tỷ yên[2].

Mặc khác, manga luôn có mối liên kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là ngành công nghiệp anime, game, coplay, âm nhạc, các phụ kiện đi kèm, du lịch,… Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng vô cùng lớn của ngành công nghiệp manga.

Ngày nay, manga được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, được nhiều nước trên thế giới biết đến và tiếp nhận. Do đó, văn hóa Nhật từng bước thâm nhập vào đời sống văn hóa trên toàn cầu, giúp nâng cao vị thế của Nhật Bản trong thời đại “quyền lực mềm” hiện nay.

Có thể nói, manga là một ngành công nghiệp truyện tranh lớn nhất thế giới cả về quy mô lợi nhuận, sức ảnh hưởng, tính quốc tế hóa và mức độ vận hành. Đây thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn chứa rất nhiều tiềm năng của Nhật.

2. Sự hình thành của ngành công nghiệp văn hóa manga

2.1. Nguyên nhân đưa đến sự ra đời của ngành công nghiệp manga

Năm 1945, chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đã để lại cho Nhật Bản nhiều hậu quả nặng nề. Các xí nghiệp, nhà máy phần lớn bị phá hủy, đời sống nhân dân khổ cực, mức sống eo hẹp, chi phí cho các nhu cầu giải trí hầu như không có. Nhiều ngành sản xuất rơi vào tuyệt vọng, trong đó có ngành xuất bản truyện tranh. Ở thời kỳ này, truyện tranh trẻ em chiếm phần lớn trên thị trường. Trước thực trạng truyện tranh trẻ em gặp khó khăn trong xuất bản phát hành vì giá thành quá đắt, mức sống người dân lại quá thấp thì bỗng xuất hiện một loại manga dành cho trẻ em với chất lượng giấy không tốt, giá rẻ, được bày bán tại thành phố Osaka. Loại manga này do một mangaka có tên là Tezuka Osamu[3] sáng tác. Thủ pháp vẽ tranh của ông mang đến sức hút và niềm đam mê lớn cho nhiều bạn đọc, với cách vẽ giản đơn, phóng túng, cách diễn đạt cường điệu, có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản với phong cách vẽ của hoạt hình Disney (Mỹ), kĩ thuật quay phim, chụp ảnh của điện ảnh Đức, Pháp, thể hiện một nét đẹp tinh tế và độc đáo. Từ đây, ông đã cho ra đời một phong cách vẽ riêng, định hình nên kiểu mẫu manga thực sự đầu tiên. Lúc đầu, truyện tranh của ông chỉ được xuất hiện trên tạp chí dành cho trẻ em. Sau đó, ông mở rộng xuất bản manga dưới nhiều thể loại, phù hợp với nhiều độ tuổi. Do vậy, sức hấp dẫn và sự phổ biến của nó ngày càng tăng lên và đặc biệt phát triển vào những năm 60, với sự thành công của hai bộ truyện tranh dài tập “Astro Boy”, “Kimba the White Lion”, thị trường truyện tranh mở rộng nhanh chóng.

Ông chính là người đã mở ra một “trang sách mới” trong lịch sử và sự phát triển  của manga, “là người đánh thức, người mang lại những thành công to lớn cho các công ty xuất bản ở Tokyo, là một tiềm năng của công nghiệp truyền thống manga”[4]. Ông được mệnh danh là cha đẻ của manga hiện đại, là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho lịch sử hình thành nền công nghiệp manga.

Mặt khác, năm 1959, hàng loạt các đài phát thanh ra đời tại Nhật Bản, gồm NHK (Nippon Housou Kyokai), TBS (Tokyo Broadcasing System), NET (Nippon Education Television), Fuji (Fuji Television). Từ sau năm 1960, đài truyền hình càng trở nên phổ biến hơn trong các gia đình ở Nhật, khi mà đài NHK và NTV bắt đầu phát thanh có màu. Đặc biệt, năm 1964, với sức thu hút của Thế vận hội Mùa hè được tổ chức tại Tokyo (Tokyo Olympics), để tiện cho theo dõi mà không cần phải trực tiếp đến địa điểm tổ chức, người dân đã đổ xô đi mua ti vi, làm tăng số lượng tivi lên đến 10 triệu chiếc. Đây chính là thời kỳ phát triển đỉnh cao của văn hóa đại chúng tại Nhật Bản (1953 – 1973).

Trong bối cảnh với sự bùng nổ mạnh mẽ của nền văn hóa đại chúng, ngành công nghiệp manga và truyền hình luôn phát triển song song với nhau, có mối quan hệ cộng sinh. Manga phục vụ cho các chương trình quảng cáo, ngược lại, truyền hình cũng làm cho manga trở nên phổ biến sâu rộng hơn trong đời sống thường ngày của người dân. Mặt khác, việc thay đổi ấn phẩm định kì (tạp chí manga) từ phát hành theo tháng rút ngắn xuống thành theo tuần cũng đã mang lại một số hệ quả tích cực.

Năm 1959, Kodansha – nhà xuất bản  lớn nhất tại Nhật Bản, chuyên xuất bản các tạp chí manga, văn học, các thể loại sách báo – đã phát hành tạp chí manga đầu tiên là Shounen, sau phát triển thành một hợp tuyển dày 300 trang. Sau đó, nhà xuất bản dần mở rộng đối tượng tiếp nhận manga là các thanh niên. Từ năm 1965, tổng biên tập của tạp chí, Uchida Masaru đã mời các họa sĩ gekiga[5] làm việc cho Kodansha. Sự hợp nhất giữa manga – gekishi chính là một thành công to lớn, đã thu hút một số lượng đông đảo người đọc tạp chí manga. Đến cuối năm 1966 số độc giả đã lên đến gần 1 triệu người.

Thêm vào đó, đây cũng là thời kỳ phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản. Mặc dù Thế chiến II đã tàn phá vô cùng nặng nề, nhưng với sự nỗ lực vươn lên và việc vận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài, Nhật Bản đã vươn lên trở thành cường quốc thứ hai sau Mỹ, nền kinh tế phát triển vượt bậc. Bởi vậy, đời sống người dân cũng ngày càng nâng cao. Vì thế, nhu cầu giải trí cũng tăng theo ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Là một ngành văn hóa mang tính giải trí, đòi hỏi manga cũng phải phát triển cả về số lượng, chủng loại, nội dung nhằm phục vụ tốt nhu cầu giải trí ở mọi người, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường. Từ đó thúc đẩy manga phát triển theo hướng công nghiệp hóa, thị trường hóa, từ chỗ chỉ đáp ứng trước mắt một bộ phận “cầu” dần chuyển sang đáp ứng mọi tầng lớp, từ một ngành văn hóa đơn thuần chuyển sang một ngành kinh tế mang lại lợi nhuận cao.

Với sự tác động tổng hợp của các nguyên nhân trên, ngành công nghiệp văn hóa manga ra đời vào thập niên 1960 chính là một hệ quả tất yếu.

2.2. Sự hình thành của ngành công nghiệp manga vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX

Thủ pháp vẽ tranh xuất hiện trong manga xuất hiện từ thế kỷ XII, trong các bức họa về con người và thú vật, được gọi là giga. Đến thế kỷ XVIII, thuật ngữ “manga” mới chính thức xuất hiện với sự đóng góp của nghệ nhân Hokusai[6].

Bước vào thế kỷ XX, sau khi trải qua nhiều biến động, đến thập niên 60, manga thực sự đã tiến lên một vị thế mới, một bước phát triển mới về chất, mở ra thời kỳ huy hoàng trong những thập kỷ tiếp đó – công nghiệp hóa. Thị trường manga mở rộng, số người đọc ngày một tăng lên. Từ chỗ chỉ đáp ứng được nhu cầu đọc cho một bộ phận lên đến việc đáp ứng cho đông đảo người dân, từ nội địa mở rộng ra thế giới.

Mặt khác, nội dung được thể hiện trong manga cũng trở nên phong phú, sáng tạo hơn rất nhiều. Trước Thế chiến II, manga chủ yếu mang yếu tố hài hước, châm biếm. Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, manga được sử dụng để tuyên truyền nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, cổ vũ tinh thần binh lính, vừa là công cụ để nói lên quan điểm bất đồng bị chính quyền độc tài ra tay trấn áp. Tuy nhiên, do thất bại trước quân Đồng minh nên nhiều truyện tranh phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của bên chiến thắng, làm hạn chế sự phát triển của manga. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, nhờ có bàn tay vực dậy của Osamu Tezuka, manga không chỉ đã trở lại con đường phát triển vốn có của nó mà còn tiến lên một giai đoạn phát triển mới. Nội dung thể hiện trong manga trở nên đa dạng hơn, các họa sĩ trẻ thỏa sức sáng tạo với nhiều ý tưởng tham vọng, đặc biệt là các mảng về tình yêu, khoa học kĩ thuật, khoa học viễn tưởng, phiêu lưu,…

Từ đầu thập niên 60, nhiều nhà xuất bản in ấn ra đời. Manga không chỉ xuất bản thành một quyển độc lập mà còn được giới thiệu, in trên tạp chí, báo. Nhiều manga được phát hành hàng tuần thay vì hàng tháng. Số lượng manga trên thị trường tăng nhanh.

Cùng với việc xuất bản khối lượng manga lớn trên thị trường, nhiều manga đã nhận được sự ủng hộ to lớn từ phía độc giả đã chuyển thể thành các thể loại phim ảnh lúc bấy giờ. Nổi bật là bộ phim Astro Boy ( 鉄腕アトム), dựa vào bộ manga kinh điển của Osamu, được phát hành vào năm 1952 đã trở thành một “làn sóng lớn” tại Nhật Bản, sau đó lan rộng ra toàn châu Á và Mỹ vào những năm 1960. Như vậy, từ phạm vi thu hẹp trong nước, manga đã tiến sâu vào thị trường thế giới với chính sức mạnh của nó.

Số lượng người tham gia vào việc vẽ, xuất bản, in ấn cũng tăng mạnh. Nếu trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), các họa sĩ vẽ manga (mangaka) và biên tập viên luôn bị đe dọa và bắt buộc phải làm việc theo đường lối tư tưởng của nhà cầm quyền, nếu không thì họ sẽ bị thất nghệp, lưu đầy, thậm chí có thể bị giam giữ. Do vậy, tính sáng tạo và phong phú về thể loại dần bị mất đi. Sau khi chiến tranh kết thúc, phải mất một thời gian dài cho đến đầu thập kỷ 60, manga mới khôi phục lại được. Đặc biệt, ở thời kì này đã xuất hiện các họa sĩ nữ. Điều này mang ý nghĩa rất quan trọng. Nếu trước đó, shouji manga (truyện tranh dành cho nữ) ít được yêu thích, số lượng người đọc giảm sút, do chỉ có các họa sĩ nam thực hiện, thì sau khi có họa sĩ nữ vào nghề, vì nắm bắt được tâm lý, thị hiếu của người độc giả nữ, nên shoujo manga dần trở nên yêu thích, tăng số lượng người đọc.

Như vậy, gắn với nền văn hóa đại chúng, ngành công nghiệp văn hóa manga xuất hiện vào thập niên 1960 với những biểu hiện nổi bật: sự mở rộng thị trường ; sự gia tăng về số người lao động trong lĩnh vực manga; những sản phẩm văn hóa manga ngày càng phong phú về chủng loại, đa dạng về nội dung, đáp ứng tốt cầu thị trường; sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản in ấn; sự phát triển gắn với mục đích kinh tế.

2.3. Ý nghĩa của sự hình thành

Thập niên 1960 thực sự là cột mốc quan trọng trong phát triển văn hóa manga, “manga” đã thực sự bước ra khỏi tên gọi của nó: 漫画 – “mạn” là ngẫu hứng, vô tình, “họa” là bức họa – tức là những bức vẽ chỉ mang tính ngẫu hứng, không mục đích. Hay nói cách khác, từ chỗ chỉ được công nhận là một lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật mang tính chất giải trí đơn thuần đã trở thành một ngành kinh tế có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Sự ra đời này chính là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của manga sau này. Sau khi trở thành một ngành công nghiệp, manga đã có bước phát triển nhanh chóng từ những năm 1970 trở đi, và đỉnh cao là từ thập niên 1990 với sức lan tỏa sâu rộng trên thế giới. Hiện nay, các thuật ngữ “văn hóa Manga” (漫画文化)“công nghiệp Manga”(マンガ産業) được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản như để khẳng định rõ vai trò của nó trong nền văn hóa nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Đây là một trong những ngành công nghiệp văn hóa ra đời đầu tiên tại Nhật Bản, từ đây, kéo theo sự ra đời hàng loạt các ngành công nghiệp văn hóa khác, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành khác, đặc biệt là anime, điện ảnh, các phụ kiện dụng cụ đi kèm, thời trang.

Manga trở thành một ngành công nghiệp cũng có nghĩa là trở thành một ngành kinh tế. Điều đó có nghĩa là không chỉ giới hạn tầm nhìn văn hóa dân tộc trong phạm vi giữ gìn, bảo tồn bản sắc, giá trị tốt đẹp mà còn tích cực tham gia đóng góp vào hệ thống công nghiệp hóa toàn cầu, biến văn hóa trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế, gia tăng “lực hấp dẫn” của Nhật Bản trên thế giới.

Kết luận

Có thể nói, ngành công nghiệp manga được hình thành từ thập niên 1960 chính là một hệ quả mang tính tất yếu dựa trên cơ sở những điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị. Đây thực sự là một bước thành công lớn của Nhật Bản trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi nói về văn hóa, người ta thường chỉ tập trung vào giữ gìn, bảo tồn mà chưa chú ý đến sức mạnh tiềm năng của nó, chưa chú trọng đến khả năng đóng góp của văn hóa vào phát triển kinh tế. Nước ta vốn là một đất nước có bề dày văn hóa với các loại hình văn hóa đa dạng. Nếu chúng ta biết cách tận dụng và phát huy có hiệu quả để phát triển kinh tế thì chắc chắn sẽ mang lại thành công. Để làm được điều đó, việc tập hợp và thúc đẩy sự vận động của các nhân tố để hình thành nên một ngành công nghiệp văn hóa là rất quan trọng. Trong đó vấn đề quan tâm hàng đầu chính là phải thay đổi lại cách nhìn về văn hóa: không nên tiếp tục duy trì lối suy nghĩ văn hóa là văn hóa và kinh tế là kinh tế mà phải có sự kết hợp giữa chúng, từ đó hoạch định chính sách phù hợp. Hy vọng rằng trong tương lai, văn hóa Việt Nam sẽ được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả sự đóng góp của ngành công nghiệp truyện tranh mang bản sắc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. Hạ Thị Lan Phi (2015), Khái quát về ngành công nghiệp manga Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, 09/2015.
  2. Phạm Hồng Thái, Chiến lược công nghiệp văn hóa của Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, ngày 02/12/2013.
  3. Hạ Thị Lan Phi (2012), Tại sao chính phủ Nhật Bản lại chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa?, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, ngày 03/03/2012.
  4. Tìm hiểu về manga – nghệ thuật truyện tranh Nhật Bản, www.nhatbanduhoc. com.
  5. Trần Nho Thìn, Công nghiệp sáng tạo và văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 12/05/2015.
  6. Đào Minh Tuấn , Nguyễn Ngọc Hà (2015), Công nghiệp văn hóa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  7. Sharon Kinsella, Adult manga – Culture and Power in Contemporary Japanese Society, 2005.

Phụ lục

[1] Animated Export, Hisateru Furuta, Asia – Pacific Prespective, 5/2004.

[2] Theo Thống kê của Viện Nghiên cứu và xuất bản Nhật Bản.

[3] Tezuka Osamu (手塚 治虫) (1928 – 1989), là một bác sĩ, một mangaka, một nhà làm phim anime.

[4] Frederik L.Schodt (1988) Manga!Manga! The World of Japanese Comics, Kodansha International Ltd.                                                                            

[5] Gekiga (dramatic pictures) là một thể loại truyện tranh ở Nhật Bản, mang nội dung nghiên túc và có tính trưởng thành hơn so với manga.

[6] Hokusai Katsushima (1760 – 1849), là một nghệ sĩ điêu khắc gỗ, một họa sĩ nổi tiếng với nét vẽ tự nhiên, phóng khoáng.

 

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *