Mô hình kinh tế Keiretsu Nhật Bản

Sự hình thành của mô hình kinh tế mới Keiretsu tại Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ II năm 1945 đã trở thành cú đánh mạnh mẽ vào nền kinh tế Nhật Bản, giáng đòn trực tiếp vào các tổ chức kinh tế mà nổi bật nhất là các tập đoàn tài phiệt zaibatsu (財閥) đã tồn tại từ lâu đời. Nếu như trước Chiến tranh thế giới lần thứ II, các zaibatsu là quyền trượng kiểm soát về mọi mặt nền kinh tế Nhật Bản thì nay đã bị phá vỡ và sụp đổ. Tuy nhiên sau đó, một mô hình mới keiretsu được hình thành như một sự thay thế các zaibatsu trước đó. Có thể nói, khoảng thời gian 7 năm Nhật Bản bị quân Đồng minh chiếm đóng (1945 – 1952) chính là giai đoạn đầu mang tính chuyển giao giữa zaibatsu và keiretsu.

Mô hình kinh tế Keiretsu ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Về mặt ngôn ngữ học, Keiretsu có tên Hán Việt là “hệ liệt”, dùng để chỉ những tập đoàn hay tổ hợp các công ty tại Nhật Bản sau Thế chiến II hoạt động trên nhiều lĩnh vực liên kết lại với nhau về các mặt như tài chính, nhân lực, nguyên nhiên liệu, công nghệ, phân phối,…

Gồm 2 loại: keiretsu hàng ngang (横系列) và keiretsu hàng dọc (縦系列).

 

1. Bối cảnh kinh tế

  • Thị trường chứng khoán tại Nhật Bản sụp đổ (8/1949) đã buộc GHQ phải thay đổi chính sách kinh tế tại Nhật Bản.
  • Sau khi quân Đồng minh rút khỏi lãnh thổ Nhật Bản (4/1952), chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách kinh tế nhằm khuyến khích sự liên hợp của các tổ chức kinh doanh trong nước.
  • Sự vươn lên mạnh mẽ của các công ty đối thủ cũng như sự cạnh tranh gay gắt của thị trường trong nước và quốc tế đã đặt ra yêu cầu cần phải liên kết lại với nhau để nâng cao khả năng cạnh tranh, tránh tình trạng tụt hậu về kinh tế.

 

2. Quá trình hình thành mô hình kinh tế mới keiretsu

Với những thay đổi trong chính sách kinh tế như trên đã đưa tới sự thay đổi to lớn về cơ cấu sở hữu: chuyển từ việc tập trung vào cổ đông thể nhân sang tập trung vào cổ đông pháp nhân. Một phần lớn cổ phần của các công ty zaibatsu cũ giờ đây nằm trong tay các cổ đông pháp nhân, trong đó tổ chức tài chính chiếm một phần không nhỏ; mà trong các tổ chức tài chính, vai trò đặc biệt quan trọng lại thuộc về các ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Cùng với việc đi lên nhanh chóng của cổ đông pháp nhân là sự gia tăng của cổ phần chéo giữa các công ty, đặc biệt là các công ty thuộc zaibatsu cũ.

Tỷ lệ cổ phần chồng chéo giữa các công ty thuộc keiretsu ngày càng tăng và tăng liên tục: Mitsui từ 6,2% lên 11%, Mitsuibishi từ 1,3% lên 16,4%, Sumitomo từ 7% lên 21,2%. Ở đây, các tổ chức tài chính, và nhất là các ngân hàng, đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng cổ phần chéo. Đây chính là bước đệm cho việc tái hình thành của các công ty đã bị phân nhỏ thuộc zaibatsu trước đó, và từ đây, keiretsu đã từng bước hình thành.

Mặt khác, các hiệp hội giám đốc (社長会), những người đứng đầu trong công ty cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều phối, dàn xếp nhiều vụ mua lại cổ phiếu của các công ty thành viên trong hiệp hội đó. Có thể kể đến các hội: Hakusui kai (白水会, thành lập năm 1951) của Sumitomo, Kinyo kai (金曜会, năm 1954) của Mitsubishi, Getsuyo kai (月曜会, năm 1950) và sau đó có Nimoku kai (二木会, năm 1961) của Mitsui, Fuyo kai (芙蓉会, năm 1966) của Fuyo, Sansui kai (三水会, năm 1967) của Sanwa, Sankin kai (三金会, năm 1978) của Daiichi. Sự hiện diện của các hội này mang màu sắc khá tương đồng với “hội đồng của gia đình” trong các zaibatsu trước chiến tranh. Các hội này thường tổ chức có định kỳ hàng tháng, là nơi để các giám đốc gặp nhau để cùng bàn bạc, trao đổi các quan điểm về tình hình kinh tế, tài chính, các dự định và chiến lược kinh doanh sắp tới. Các quyết định của hội được đưa ra theo kiểu phương Đông truyền thống, đó là sự đồng thuận. Do đó, quan hệ gắn bó giữa các công ty thành viên càng trở nên bền chặt hơn, từ đó thúc đẩy quá trình liên kết lại giữa các công ty.

Thêm nữa, sau khi Nhật Bản chấm dứt thời kỳ chiếm đóng của lực lượng quân Đồng minh, chính phủ đã bãi bỏ lệnh cấm sử dụng tên thương hiệu của các zaibatsu trước đây. Do đó, có rất nhiều doanh nghiệp, công ty, tổ chức kinh doanh đã trở về với tên thương hiệu cũ của mình.

Việc các công ty đặt lại tên thương hiệu cũ của mình đã chứng tỏ “tinh thần đồng đội” của chúng vẫn luôn hiện hữu trong suốt thời gian bị giải thể. Và đến thời điểm này, tinh thần đó đã thực sự trỗi dậy, các mảnh ghép thuộc zaibatsu cũ một lần nữa được gắn kết lại.

Nhìn chung, các tập đoàn kinh tế bắt đầu tổ chức lại cấu trúc của mình ngay từ sau khi Nhật Bản giành được độc lập (năm 1952) và mở đầu là ba keiretsu lớn Mitsubishi, Sumitomo và Mitsui, trong thập kỷ tiếp theo là ba keiretsu Fuyo, Sanwa, Daiichi với sự hỗ trợ hiệu quả của các ngân hàng. Cho đến cuối những năm 70, các tập đoàn kinh tế lớn tại Nhật Bản đã từng tồn tại trong suốt thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ II về cơ bản đã được tái liên kết lại mà tiên phong của quá trình này là các Công ty thương mại tổng hợp (総合商社). Trước tác động của bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế, được sự hỗ trợ về tài chính của các ngân hàng, cùng với “tinh thần gắn kết” của các thành viên trong nhóm (được thể hiện qua các hội giám đốc), các keiretsu đã từng bước hình thành cả về cấu trúc và sức mạnh kinh tế.

Như vạy, trải qua một thời gian dài, mặc dù đã bị quân Đồng minh hủy diệt nhưng trong bối cảnh thời thế biến đổi, các công ty thuộc zaibatsu cũ đã xuất hiện trở lại từ một đống tro tàn với một sức mạnh hoàn toàn mới. Tuy vậy, những đặc điểm trong cấu trúc quản lý của nó không giống như các zaibatsu trước năm 1945. Các công ty thuộc keiretsu không còn hoàn toàn bị phụ thuộc hay bị định đoạt bởi những nhà tư bản đứng đầu gia tộc, mà đều có thể tham gia vào sự lựa chọn con đường phát triển chung của công ty. Tính chất độc quyền đã bị giảm thiểu đáng kể và hoạt động kinh tế của các công ty thuộc keiretsu cũng trở nên dân chủ hơn. Nói cách khác, mô hình keiretsu ra đời giống như một dạng biến thể của zaibatsu nhằm thích ứng hơn với hoàn cảnh mới.

 

Tài liệu tham khảo

  1. エレノア・M・ハドレー(1973)『日本財閥の解体と再編成』小原敬士と有賀美智子監訳、東京経済新聞社。
  2. 橘川武郎(1996)『日本の企業集団・財閥との連続と断絶』 株式会社有斐閣。
  3. 高度成長とその評価 (1975)『戦後の日本経済』中央大学出版部。
  4. 三島康雄、長沢康昭、柴孝夫、藤田誠久、佐藤英達(1987)『第二次大戦と三菱財閥』日本経済新聞社。
  5. 平井岳哉(2013)『戦後型企業集団の経営史~石油化学・石油からみた三菱の戦後』日本経済評論社。

 

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *