“Cách sống” của Inamori Kazuo – Hãy sống cho đúng Đạo làm người

Đã bao giờ bạn tự hỏi “Mình đã sống đúng cách và đúng Đạo làm người chưa”? Liệu rằng bạn đã tìm được ý nghĩa của cuộc đời bạn đang sống? Bạn chắc chắn rằng mình có hạnh phúc?

Là một trong những cuốn sách mình khá yêu thích của năm (và cả sau này), mình mong các bạn nếu có thời gian thì nên đọc và chiêm nghiệm cuốn sách, à không, cuốn sổ tay cuộc đời thì đúng hơn – “Cách sống” của Inamori Kazuo.

1. Tổng quan

Cuốn sách như một cuốn triết lý nhân sinh hơi hướng Phật giáo về “đạo làm người”, về “cách sống” sao cho ý nghĩa, hạnh phúc, thành công nhưng không hề giáo điều, được lập luận rõ ràng, thực tế, dễ hiểu nhưng cũng rất chân thành, sâu sắc và đáng suy ngẫm. Đây là cuốn cẩm nang trên hành trình cuộc đời mà ai cũng nên có.

Cách trình bày diễn đạt: Dứt khoát, dõng dạc, đi thẳng vào vấn đề, không lan man, lòng vòng, sáo rỗng. Trong mỗi luận điểm, Inamori đều đưa ra luận cứ thực tế từ chính ông. Giọng văn giản dị, sâu lắng, cảm giác như đang được ngồi F2F với ông để nghe ông kể câu chuyện về triết lý cuộc sống mà bản thân đã trải nghiệm và đúc rút.

2. Tóm tắt từng phần

Phần mở đầu

– Sống là quá trình mài dũa tâm hồn: Chỉ có tâm hồn là không mất đi khi từ giã cõi đời. Những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống là những bài học, thử thách để mài dũa tâm hồn.

– Những nguyên tắc đạo đức chân phương là kim chỉ nam bất di bất dịch: Nhân cách = Tính cách (bẩm sinh) + Tư duy triết học (sinh sống) => “đạo làm người”.

– Chân lý có thể được bằng lao động quên mình: Tinh tấn.

– Cuộc sống sẽ thay đổi 180 độ nếu thay đổi cách tư duy: Cuộc đời và thành quả = Tư duy * Nhiệt huyết * Năng lực

– Quy luật của vũ trụ: nghĩ thiện 🡪 cuộc đời tốt đẹp

– Muốn nhận được “kho tàng trí tuệ”, cần hướng thiện, miệt mài lao động, nghiên cứu tìm tòi.

– Thường xuyên xem xét đánh giá bản thân.

Chương 1: Biến suy nghĩ thành hiện thực

– Để biến điều “không thể” thành “có thể” thì trước hết phải suy nghĩ mãnh liệt tới mức “điên khùng”. Tiếp đến là phải có niềm tin rằng sẽ làm được. Và cuối cùng quá trình lao động nỗ lực hướng về phía trước.

🡪 Để có thể thành công phải có khát vọng mãnh liệt, có niềm tin và tập trung toàn lực lao động hết sức mình.

Keyword: suy nghĩ mãnh liệt, niềm tin, nỗ lực (có tập trung, hướng về trước).

– Ôm ấp hoài bão lớn – cuộc đời sẽ trở lên phi thường.

Chương 2: Suy nghĩ từ nguyên lý và nguyên tắc

– Nguyên lý và nguyên tắc sẽ tốt cho cả kinh doanh & cuộc sống: đúng với đạo làm người thì theo.

Kinh nghiệm > lý thuyết suông. Những kiến thức trong sách khác với hiện tượng thực tế; chỉ bằng cách dò tìm qua những kinh nghiệm, hay nói cách khác là qua sự lĩnh hội mới có thể tìm được bản chất của vấn đề 🡪 “biết làm” không đồng nghĩa với “có thể làm được”.

– Sống nghiêm túc mỗi ngày, sống hết mình cho khoảnh khắc hiện tại.

– Làm việc bằng sự say mê và sáng tạo, biến mình thành người “tự bốc cháy”, hãy yêu thích công việc của mình.

– Thấy rõ vấn đề phức tạp khi tháo gỡ khó khăn mà phần lớn những vấn đề này xuất phát từ những điều nhỏ nhặt, đơn giản. Sự rắc rối thường chỉ là do đặt lợi ích cá nhân, bộ phận mình lên lợi ích chung.

– Tính hợp lý và chính đáng (reasonable) quan trọng hơn tập quán, lẽ thường trong việc giao thương với nước ngoài.

Chương 3: Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn

– Người có vị trí cao hơn người khác phải hội tụ cả 3 tư chất theo thứ tự ưu tiên: nhân cách, dũng khí, năng lực.

– 6 phép tịnh tiến: nỗ lực, khiêm tốn, nhìn lại bản thân mỗi ngày, cảm ơn đời, nhân hậu, không để cảm tính chi phối.

– Luôn biết ơn (tiền đề của hạnh phúc), thành tâm (tiền đề của tiến bộ).

Chương 4: Sống với lòng vị tha

– Gốc rễ của kinh doanh là lòng vị tha, là cái Đức.

Chương 5: Hòa hợp với dòng chảy của vũ trụ

– Hai sức mạnh chi phối cuộc đời: Số mệnh và Luật Nhân quả.

– Hòa hợp với ý chí vũ trụ (Vạn vật tự nhiên tồn tại trong vũ trụ đều không ngừng phát triển và tiến hóa – theo hướng tốt/hướng thiện).

3. Bình phẩm

Tôi cho rằng niềm vui thực sự mà con người có được chính là ở trong lao động.

Inamori cho rằng niềm vui thực sự đến từ công việc, hẳn là ông đã coi trọng công việc như thế nào. Với câu hỏi luôn thường trực ngày nay “làm việc để sống” hay “sống để làm việc”, phải chăng Inamori nghiêng về “sống để làm việc”, có điều sống thiện để làm việc thiện/có ích/đam mê, chứ không phải hiểu theo nghĩa cứng nhắc là làm việc chỉ là cày cuốc?

Từ quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng cội nguồn niềm vui thực sự của mỗi người là khác nhau. Với Inamori – một doanh nhân điển hình ở Nhật Bản, quan điểm của ông hoàn toàn có thể lý giải được với đất nước có văn hóa làm việc suốt đời, áp lực công việc luôn gánh trên vai từng người, đặc biệt là đàn ông (Cả đời họ coi công việc là quan trọng nhất → nếu công việc có niềm vui thì cuộc đời sẽ vui). Nhưng với một  số người, hay ở quốc gia khác, họ không coi công việc là ưu tiên hàng đầu, thì niềm vui thực sự của họ chắc chắn không phải đến từ công việc. Liên hệ: Myanmar, chỉ số hạnh phúc.

4. Trích dẫn hay

Tập trung toàn bộ tinh lực, không tiếc công sức, miệt mài nghiên cứu khi đứng trước mục tiêu cao chót vót – thoạt nhìn tưởng như không thể nào thực hiện được sẽ khiến khả năng của chúng ta được nâng cao mà bản thân chúng ta cũng không ngờ. Điều đó đánh thức được sức mạnh to lớn tiềm ẩn trong mỗi con người. Vì thế, trước những việc tưởng như không thể làm được … vấn đề do ta chưa biết cách đánh thức năng lực đang ngủ quên đó thôi.

→ Khả năng của con người là vô hạn.

→ Luôn hướng tới tương lai và bằng việc đánh thức năng lực bên trong thì sẽ làm được mọi việc.

– Nếu nỗ lực nối tiếp nỗ lực, thì điều bình thường sẽ trở thành phi thường.

Nếu sống hết mình, sống cật lực cho ngày hôm nay thì sẽ nhìn thấy ngày mai. Nếu sống hết mình, sống cật lực cho ngày mai thì sẽ nhìn thấy tương lai xa. Điều này có nghĩa là, chúng ta cần phải dồn sức, sống cho khoảnh khắc hiện tại. Sống cho khoảnh khắc hiện tại thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ nhìn thấy tương lai.

Vì vậy, thay vì cứ chăm chăm trông ngóng ngày mai, vào tương lai chưa thấy đâu thì trước hết ta hãy dành toàn bộ sức lực cho ngày hôm nay.

→ Người nỗ lực và duy trì đến cùng sẽ là những người chiến thắng.

Đưa ra mục tiêu cụ thể cho tương lai là một việc quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là những nỗ lực ở hiện tại.

→ Hôm sau phải làm tốt hơn hôm trước.

5. Kết

Xã hội hiện nay là xã hội mở với những xoay chuyển chóng mặt, con người được tự do, khám phá, thể hiện, nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều người chỉ mải mê theo đuổi và tìm kiếm những thứ hào nhoáng ngoài kia mà xem nhẹ và không còn để ý đến đời sống tinh thần, những giá trị bên trong mình, rồi đến một lúc nào đó những điều ấy tích tụ lại rồi chợt vô định, không tìm thấy bản ngã, ý nghĩa cuộc đời. Theo Inamori Kazuo, những hỗn loạn trong xã hội hiện nay bắt nguồn từ việc thiếu vắng “nhân sinh quan”. Liên hệ đến hiện nay, có thể thấy không ít người bị trầm cảm, tự kỷ rồi hikikomori (hội chứng khá phổ biến ở Nhật Bản, tức là tự thu mình trong phòng và tách biệt xã hội).

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *