Những điều cần biết về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nhật Bản
Đối với các công ty nước ngoài đang mong muốn được thành lập pháp nhân hoặc mở thêm chi nhánh mới tại Nhật Bản, chắc hẳn sẽ gặp rất nhiều vướng mắc và băn khoăn. Nếu muốn đặt chân đến một đất nước xa lạ mà bản thân chưa có kiến thức về các chính sách, luật lệ, quy định và thủ tục giấy tờ hành chính thì quả là một thiếu sót lớn, trong đó không thể không nói đến các loại thuế ở Nhật Bản. Đã bao giờ bạn tự hỏi ở Nhật có bao nhiêu loại thuế? Các doanh nghiệp nước ngoài phải nộp những khoản thuế nào? Làm thế nào để tính được thuế bạn phải nộp? Tại sao phải nộp nhiều loại thuế như thế?
Trong khuôn khổ của bài viết này, mình sẽ trình bày và giải thích một cách dễ hiểu, ngắn gọn và súc tích nhất về các loại thuế doanh nghiệp ở Nhật. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn một vài thông tin hữu ích.
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp (法人税, thuế TNDN,) là một loại thuế TRỰC THU (直接税, cần phân biệt với thuế GIÁN THU 間接税 ), được tính trên khoản LỢI NHUẬN[1] cuối cùng của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lí, hợp pháp. VD: Với mức thuế phải nộp 20%, chẳng hạn năm 2019, doanh nghiệp bạn kiếm lời được 10 tỉ VND thì công ty phải đóng thuế 2 tỉ VND. Như vậy, tiền lời thực là 8 tỉ VND.
Đây là một trong những nguồn thu quan trọng trong ngân sách nhà nước, có vai trò lớn trong việc tăng trưởng và điều tiết nền kinh tế, đảm bảo cân bằng xã hội nên thường gắn liền với chính sách kinh tế – xã hội của nhà nước. Nói cách khác, thuế TNDN chính là một trong những “nguồn cung máu” chủ đạo cho ngân sách quốc gia, giúp cho mọi hoạt động diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả. Tỷ trọng thu từ thuế TNDN so với tổng thu ngân sách quốc gia ở các nước phát triển thường rất cao, trong khi đó ở các nước đang phát triển thấp hơn. Bởi theo quy luật chung, khi trình độ kinh tế càng phát triển thì thuế thu nhập (trong đó bao gồm cả thuế TNDN. Cần chú ý rằng, thuế thu nhập gồm 2 loại: doanh nghiệp/pháp nhân 法人 và cá nhân 個人) ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thu về thuế.
Về bản chất, do đây là một loại thuế đánh trực tiếp vào nguồn thu của doanh nghiệp mà kết quả hoạt động kinh doanh lại có sự khác biệt qua các thời kỳ nên có tính ổn định không cao. Thêm nữa, do nguồn thu và quy mô của các doanh nghiệp khác nhau nên mức độ chịu thuế cũng khác nhau, tức là công ty lớn sẽ phải nộp thuế cao, còn các công ty vừa và nhỏ sẽ phải nộp mức thuế thấp hơn.
Theo quy định, sau khi thành lập công ty, có Giấy phép kinh doanh và được cấp mã số thuế thì các doanh nghiệp BẮT BUỘC phải nộp các khoản thuế. Đây chính là NGHĨA VỤ của doanh nghiệp.
2. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Nhật hình thành khi nào?
Ở Nhật Bản, hệ thống pháp luật thuế doanh nghiệp đã có từ rất lâu đời và đã trải qua khá nhiều lần thay đổi. Năm 1887, thuế thu nhập đã được hình thành và cho đến năm 1899 đã bắt đầu thực thi đối với doanh nghiệp. Từ đó cho đến nay đã có rất nhiều lần sửa đổi và bổ sung sao cho phù hợp với thực trạng kinh tế – xã hội như già hóa dân số, chênh lệch mức thu nhập – tiêu dùng – tài sản sở hữu,…
3. Các loại thuế thu nhập doanh nghiệp ở Nhật
Ở Nhật, thuế TNDN được phân ra thành rất nhiều loại thuế và cách tính thuế cũng khá phức tạp (phần cách tính sẽ cập nhật ở bài viết sau).
Xét về tổng quan, thuế được nộp vào 2 nguồn ngân sách: ngân sách quốc gia (gọi là thuế quốc gia 国税) và ngân sách địa phương (gọi là thuế địa phương 地方税). Thuế quốc gia là khoản thu quan trọng nhất, sẽ được chi vào việc điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô và cả cộng đồng xã hội trên toàn đất nước. Trong khi đó, thuế địa phương là khoản tiền mà doanh nghiệp đang kinh doanh ngay tại chính địa phương đó phải nộp cho cơ quan thuế địa phương nhằm góp phần duy trì các hoạt động kinh tế, phúc lợi xã hội như phòng cháy chữa cháy, thu gom rác thải,…
Thuế TNDN ở Nhật Bản gồm 5 loại chính, trong đó có 3 lọai sẽ được cho vào ngân sách quốc gia và 2 loại cho vào ngân sách riêng của địa phương. Ngoài ra còn rất nhiều loại thuế nhỏ khác, cũng có một số cách phân loại hơi khác, nhưng trong bài viết này mình chỉ đưa ra các loại thuế hay xuất hiện nhiều nhất và cách phân loại thường dùng.
Bảng: Các loại thuế doanh nghiệp Nhật Bản
Loại thuế
法人税の種類 |
Loại thuế phân theo cấp hành chính
税金の種類 |
Nơi khai thuế
申告先 |
||
1 | Thuế pháp nhân
法人税 |
Thuế quốc gia
国税 |
Sở thuế
税務署 |
|
2 | Thuế pháp nhân địa phương
地方法人税 |
|||
3 | Thuế kinh doanh
事業税 |
Thuế địa phương
地方税(都道府県) |
Văn phòng thuế cấp tỉnh
都道府県税事務所 |
|
4 | Thuế đặc biệt pháp nhân địa phương
地方法人特別税 |
Thuế quốc gia
国税 *Trong giấy khai thuế 申告 và giấy báo thuế 納付, loại thuế này thường được liệt kê cùng với Thuế kinh doanh)
|
||
5 | Thuế cư trú pháp nhân
法人住民税 |
Thuế cấp tỉnh
道府県民税 |
Thuế địa phương
地方税(都道府県) |
|
Thuế cấp huyện xã
市町村民税 |
Thuế địa phương
地方税(市町村) |
Huyện xã
市町村 |
※ Chú ý: Từ 法人税 vừa dùng để chỉ tất cả các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp nói chung (nghĩa rộng), vừa dùng để chỉ một tên loại thuế là thuế doanh nghiệp/thuế pháp nhân (nghĩa hẹp). Vì vậy, cần chú ý ngữ cảnh để tránh hiểu sai lệch.
4. Đôi điều tản mạn: Tại sao mình viết về chủ đề này? (Có thể bỏ qua không đọc)
Vốn là một đứa nhởn nhơ chả có hiểu biết tẹo nào về thuế má thì đùng một cái vào một ngày đẹp trời, sếp đưa cho mình một file có đủ thứ từ trên trời xuống dưới đất. Và rồi, còn chăm hơn cả hồi còn chạy deadline tiểu luận thời Đại học, mình ngồi hùng hục trước màn hình máy tính suốt 8 tiếng đồng hồ/ngày chỉ để cày và nghiền ngẫm từ A đến Z cái file sếp gửi (thật ra là không hẳn như thế 😆 ). Tất nhiên, việc ngồi ê mông như thế này đúng là cực kỳ buồn ngủ với một đứa chóng chán như mình. Trong lúc chống cằm chuẩn bị nghe A Phủ gọi tên trong cơn mơ thì cũng là lúc mình di chuột mở file powerpoint “Các loại thuế ở Nhật” nhưng hơi buồn đời là nội dung không có gì cả =)))
Nhưng… câu chuyện không dừng lại ở đây!
Chiều hôm qua tự dưng có vài hóa đơn về thuế cần mình dịch nhẹ qua sang tiếng Nhật, và thế là như một phản ứng không thể kiểm soát, những bài giảng của tiết học “Quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Châu Á” năm nào của một người thầy mà mình rất ngưỡng mộ chợt ùa về trong tâm trí. Thầy có nói rất nhiều rằng hiện nay các công ty Nhật Bản đang dần chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nguyên nhân một phần là do ưu đãi về chính sách thuế, nhưng thuế ở Nhật cụ thể như thế nào thì mình hoàn toàn không biết.
Câu hỏi về thuế doanh nghiệp ở Nhật đã hình thành trong mình từ đó nhưng rồi ngày qua ngày, do có quá nhiều thứ vụn vặt lấp đầy khoảng trống trong trí nhớ nên câu hỏi đó dần đi vào dĩ vãng. Và hôm nay, nó lại một lần nữa hiện lên, phải nói là quá ư trùng hợp. Không đợi chờ, không lý do nữa, mình đã bắt tay ngay vào việc tìm hiểu các loại thuế doanh nghiệp ở Nhật Bản. Không phải vì mình rảnh nên tìm hiểu mà bởi vì mình còn nợ quá khứ một câu hỏi chưa giải đáp. Có thể bây giờ không cần thiết với mình nhưng chắc chắn rằng, 10 – 20 năm, thậm chí 30 năm sau rất có thể mình sẽ cần nhìn lại bài viết này. Vì biết đâu một lúc nào đó, máy tính của mình tự dưng bị virus ăn mất bài làm mình phải bới lại website này thì sao? =))
Kết lại
Người xưa đã có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” đúng là không sai. Nếu bạn có dự định đầu tư lâu dài hay chỉ đơn thuần là muốn hiểu rõ hơn về cách thức vận hành của doanh nghiệp, đừng quên một trong những thứ cần tìm hiểu đầu tiên chính là thuế. Như vậy, bài viết trên mình đã tóm gọn những nội căn bản và quan trọng nhất về thuế doanh nghiệp Nhật Bản. Trong bài viết sau mình sẽ viết nhiều hơn và sâu hơn về chủ đề này.
※ Khi nào rảnh mình sẽ tìm hiểu sâu hơn và viết tiếp các nội dung khác như:
- Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nhật Bản
- Chế độ ưu đãi và các quy định về miễn giảm thuế
- Một số so sánh về chính sách thuế giữa Nhật Bản – các nước trong khu vực, Nhật Bản – Việt Nam
- So sánh một số thuật ngữ tiếng Nhật dễ nhầm lẫn khi tìm hiểu về thuế
[1] Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí
(Chi phí bao gồm phí nguyên nhiên liệu đầu vào, chi phí thuê nhân công, bán hàng, thuê mặt bằng,…)
Suy ra là nếu cái gì tính được thì tính hết vào để đỡ phải đóng thuế nhiều (Tất nhiên phải là những khoản hợp lý, hợp pháp)