Làng gốm Bát Tràng

Một ngày dạo bước ở làng gốm Bát Tràng

Khái quát làng gốm Bát Tràng

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10 km về phía đông nam, làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từ lâu đã được vinh danh là một trong những làng nghề thủ công sôi động bậc nhất của đất Hà thành. Gốm sứ Bát Tràng được hình thành và phát triển cách đây trên 700 năm, từ triều Lý – Trần. Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát (鉢) là chén bát, đồ gốm, chữ Tràng (場, còn đọc là Trường) nghĩa là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn, Bát Tràng có nghĩa là mảnh đất của đồ gốm. Trong lịch sử, từ thời xa xưa, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Có thể nói, gốm Bát Tràng đã vượt qua thời gian và không gian có mặt trên mọi quốc gia. . Với lịch sử hàng trăm năm tồn tại và phát triển, làng gốm Bát Tràng đã tạo nên một thương hiệu, một bản sắc truyền thống độc đáo, tinh tế không thể thiếu trong nền văn hóa Việt Nam.

Với đặc điểm lịch sử văn hóa và quá trình hình thành, phát triển làng nghề, năm 2001, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định phê duyệt Bát Tràng trở thành một làng nghề truyền thống, với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch.

Sẽ thật luyến tiếc nếu bạn đang ở Hà Nội mà thử không đến đây một lần để được trải nghiệm cảm giác tự mình làm ra những sản phẩm gốm sứ yêu thích cũng như tìm hiểu khám phá những điều thú vị về làng gốm cổ Bát Tràng này. Hãy cùng TTC Việt Nam dạo bước một vòng quanh làng gốm nhé!

 

Làng gốm Bát Tràng

Làng gốm Bát Tràng

(Nguồn: vntrip.vn)

Cách di chuyển từ trung tâm Hà Nội

Ô tô hoặc xe máy: Qua sông Hồng bằng một trong bốn cầu: cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì. Sau khi qua cầu, rẽ phải đi men theo đê Sông Hồng là tới.

Xe bus: Từ các điểm trong nội thành Hà Nội đi xe bus ra bến trung chuyển Long Biên, sau đó bắt xe 47A (Bến xe Long Biên – Bát Tràng), xuống điểm cuối. Xe dừng cách chợ Bát Tràng khoảng 200m. Thời gian di chuyển bằng xe bus khoảng 1 tiếng 15 phút.

Hành trình tham quan

8h-9h:  Thuê xe điện đi thăm quan một vòng xung quanh làng gốm Bát Tràng, ngắm khung cảnh làng quê bình dị.

Chi phí thuê xe: 150,000 VNĐ đến 200,000 VNĐ ( khoảng  1,000 Yên)

9h – 12h: Tham quan chợ Bát Tràng, đình làng Bát Tràng và một số gia đình làm gốm để tìm hiểu về lịch sử cũng như về quy trình làm gốm.

Chợ Bát Tràng – “Thiên đường” gốm sứ

Đây là điểm đến không thể bỏ qua của mọi du khách khi đến với Bát Tràng. Đến chợ gốm rộng gần 6,000m2 bao gồm nhiều cửa hàng bán các đồ gốm sứ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các món đồ gia dụng như: Bát đĩa, bát đĩa, cốc chén, bình đựng nước, tô muỗng, chậu hoa, bộ đồ thờ… với nhiều kiểu dáng bắt mắt, chất lượng tốt với giá thành phải chăng.

Không chỉ đa dạng về đồ gia dụng, gốm Bát Tràng còn rất phong phú cả về các mặt hàng lưu niệm, các phụ kiện trang trí độc đáo và xinh xắn. Đến đây, bạn có thể sắm được rất nhiều thức đồ cho mình, từ đồ phong thủy đẹp mắt, tượng trang trí, chuông gió đến những món đồ lưu niệm nhỏ xinh như vòng tay, nhẫn bằng gốm xứ.

Đình làng Bát Tràng

Đình làng nằm ngay cạnh bến sông Hồng, là nơi thờ Thành Hoàng làng và tổ chức các sự kiện, lễ hội trong làng.

Nhà Vạn Vân

Ngôi nhà nằm ở cuối làng với mái phủ kín cây xanh. Nhà gồm nhiều gian: Gian đầu tiên là ngôi nhà gỗ 200 tuổi đưa từ Thái Bình về; gian thứ hai cũng là một ngôi nhà cổ ở Nam Định mua về rồi ghép lại; gian thứ ba là ngôi nhà đã có sẵn từ trước đó. Trong nhà trưng bày hơn 400 món đồ gốm sứ cổ từ thế kỷ 15 đến 19. Nhà cổ Vạn Vân mở cửa từ 8h đến 17h30 hàng ngày, vì vậy bạn hãy chú ý thời gian để vào tham quan nhé.

12h-13h: Ăn trưa

Một số món ăn không thể bỏ qua khi đến làng gốm Bát Tràng: Canh măng mực, Mực xào su hào, Chè hạt hoa sói, Bánh tẻ, Bánh sắn nướng, Ổi Đông Dư.

13h-16h: Trải nghiệm nặn gốm

Đến với làng gốm Bát Tràng, khách du lịch đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm tinh tế, độc đáo mà còn có thể tự tay sáng chế, nhào nặn sản phẩm và được mang về.

Phí: 50,000VND/lần (khoảng 200 yên).

Muốn trải nghiệm nặn gốm, bạn hãy đến một gia đình làm gốm. Tại đây, chủ nhà sẽ cung cấp cho bạn 1 viên đất to, 1 bàn xoay, tiếp đến, chủ nhà sẽ dạy bạn cách để nhào nặn nên một tác phẩm gốm. Bạn có thể thỏa thích sáng tạo từ viên đất đó. Các bạn có thể làm cốc, bát, chén, hay nhào nặn hình thù của một số con vật.

Sau khi nặn xong là công đoạn hong khô sản phẩm, mất khoảng gần 1 tiếng. Trong thời gian chờ đợi này này bạn có thể đi tham quan một số xưởng gốm gần đó để chiêm ngưỡng công đoạn làm gốm của người dân nơi đây.

Sau 1 tiếng thăm thú xung quanh, bạn trở về nơi đã nặn gốm để hoàn thành nốt công đoạn còn lại – công đoạn tô vẽ và trang trí cho sản phẩm. Cuối cùng, chủ nhà sẽ sơn phủ bóng bên ngoài để giữ cho sản phầm được bền hơn với thời gian.

16h: Kết thúc 1 ngày thú vị ở làng gốm, trở về Hà Nội.

Có thể nói rằng, gốm sứ Bát Tràng đã đi ngược thời gian, vượt qua không gian, được chọn lọc, kế thừa và phát triển cho đến ngày nay, trở thành một nét đẹp độc đáo và tinh tế trong văn hóa Việt Nam. Nếu có dịp đến Việt Nam, đừng quên ghé qua làng gốm Bát Tràng truyền thống để tìm hiểu về lịch sử phát triển của gốm sứ Việt và trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt vời và thú vị ở mảnh đất bình dị này nhé!

 

Xem thêm: Vẻ đẹp mộc mạc đầy chất thơ của cao nguyên Mộc Châu

 

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *