4 lễ hội truyền thống đặc sắc nhất không thể bỏ qua khi đến vùng Tohoku vào mùa hè
Khi nói đến các lễ hội mùa hè ở Tohoku, hẳn chúng ta không thể bỏ qua 4 lễ hội nổi tiếng: lễ hội Nebuta Matsuri (tỉnh Aomori), lễ hội Sendai Tanabata Matsuri (tỉnh Miyagi), lễ hội Kanto Matsuri (tỉnh Akita) và lễ hội Hanagasa Matsuri (tỉnh Yamagata) đúng không nào?
Ở Nhật Bản, mùa hè chính là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc nhất trong năm. Không phải là bầu trời ngợp sắc hồng của những cánh hoa anh đào vào mùa xuân ấm áp hay những con đường lãng mạn ngập lá vàng rơi vào mùa thu se lạnh, cũng không phải là khung cảnh thơ mộng đầy chất thơ của những bông tuyết trắng tinh khôi vào mùa đông buốt giá, mà đó là không khí tươi vui đầy náo nhiệt của những tiếng trống, tiếng kèn – âm thanh báo hiệu một mùa màng bội thu sắp về.
Nhắc đến Nhật Bản, hẳn chúng ta không thể không nhắc đến vùng Tohoku – khu vực nằm ở phía Bắc quần đảo Honshu với ba mặt giáp biển, gồm 6 tỉnh Aomori, Akita, Iwate, Yamagata, Miyagi và Fukushima. Do nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn nên khác với các chốn đô thị phồn hoa tấp nập, nơi đây nổi bật với những con người chất phác, bình dị cùng với những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời và cổ kính nhưng cũng không kém phần thú vị. Đặc biệt, khi nói đến các lễ hội mùa hè ở Tohoku, ta không thể bỏ qua 4 lễ hội nổi tiếng: lễ hội Nebuta Matsuri (tỉnh Aomori), lễ hội Sendai Tanabata Matsuri (tỉnh Miyagi), lễ hội Kanto Matsuri (tỉnh Akita) và lễ hội Hanagasa Matsuri (tỉnh Yamagata). Đây là 4 lễ hội lớn nhất ở Tohoku vào mùa hè và cũng là một trong những lễ hội lớn nhất ở Nhật Bản.
1. Lễ hội Nebuta Matsuri (tỉnh Aomori)
Lễ hội Nebuta Matsuri (ねぶた祭り) được tổ chức thường niên hàng năm từ ngày 2-7/8, ở thành phố Aomori, tỉnh Aomori, Tohoku.
Điểm nhấn của lễ hội là vào buổi tối, người dân diễu hành những chiếc kiệu lồng đèn khổng lồ rực rỡ sắc màu, theo sau là những chiếc trống Taiko lớn, người chơi nhạc cụ và các vũ công. Những chiếc đèn lồng có khung dây bằng kim loại được thắp sáng bên trong, bên ngoài được bọc bằng giấy Washi có vẽ hình của các vị thần, nhân vật lịch sử, thần thoại, diễn viên kịch Kabuki hay các nhân vật trong chương trình truyền hình nổi tiếng,… Những chiếc kiệu đèn lồng được đẩy dọc trên đường và quay tròn quanh đám đông. Ngoài ra còn có những màn nhảy múa của các vũ công được gọi là Haneto, đi kèm là âm thanh rộn ràng của tiếng trống, tiếng sáo tre và tiếng hô “rasseera” của các vũ công.
Lễ hội Nebuta Matsuri ở Aomori, Tohoku
2. Lễ hội Kanto Matsuri (tỉnh Akita)
Lễ hội Kanto Matsuri (竿燈祭り) diễn ra từ ngày 3-6/8 hàng năm, tại thành phố Akita, tỉnh Akita, vùng Tohoku, là lễ hội có sự tham gia của các chàng trai tuấn tú trong vùng.
Trong lễ hội, các chàng trai cùng nhau trổ tài sức mạnh và sự dẻo dai của bản thân. Mở đầu lễ hội là màn rước đèn đầy lung linh và rực rỡ, được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Tham gia lễ hội Kanto Matsuri, tất cả đều phải giữ thăng bằng một chiếc gậy được gọi là gậy Kanto, phía trên gậy có gắn những chiếc đèn lồng được thắp sáng rực rỡ. Hòa mình trong tiếng trống Taiko và tiếng sáo Furuto, những người tham gia bắt đầu hát khúc ca truyền thống Dokkoisho và những người trình diễn sẽ cố gắng giữ thăng bằng cây gậy Kanto càng lâu càng tốt với sự reo hò cổ vũ đầy khí thế của những người xung quanh. Cây gậy có thể được giữ thăng bằng bằng lòng bàn tay, vai hoặc trán. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc dọc các tuyến phố Chuo Dori ngập tràn không khí tưng bừng của lễ hội.
Lễ hội Kanto Matsuri ở Akita, Tohoku
Lễ hội Kanto Matsuri ở Akita, Tohoku
3. Lễ hội Sendai Tanabata Matsuri (tỉnh Miyagi)
Lễ hội Sendai Tanabata Matsuri (仙台七夕祭り) được tổ chức từ ngày 6-8/8, ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, Tohoku. Ở Nhật có 3 thành phố tổ chức lễ hội Tanabata lớn nhất là Sendai (tỉnh Miyagi), Hiratsuka (tỉnh Kanagawa) và Anjou (tỉnh Aichi). Lễ hội bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng được biến tấu bởi văn hóa bản địa. Vào thời Nara (710-784), khi văn hóa Trung Quốc bắt đầu du nhập vào Nhật, ở Nhật Bản cũng có truyền thuyết kể về nàng Orihime và chàng Hikoboshi cùng với ý nghĩa của ngày 7/7 (ngày Thất tịch). Mặc dù truyền thuyết xuất hiện từ thế kỉ thứ 8 nhưng đến tận thời Edo (1600-1868), lễ hội Tanabata mới được phổ biến ở mọi tầng lớp nhân dân.
Vào lễ hội, mọi người viết mong ước của mình lên những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc với mong muốn điều ước sẽ thành hiện thực. Dọc các tuyến phố treo một loạt những cột giấy cao từ 5-6m đầy sặc sỡ Fukinagashi (吹き流し), là một trong bảy vật trang trí được xem như vật trung gian mang lời cầu nguyện đến với thần linh (được gọi là Nanatsu dogu, 七つ道具), được ví như những sợi chỉ may vá của nàng Orihime. Ngoài Fukinagashi còn có 6 vật trang trí đặc trưng khác là bộ quần áo giấy Kamigoromo, giấy viết lời cầu nguyện Tanzaku, lưới giấy Toami, hạc giấy Orizuru, hộp đựng giấy vụn Kuzukago và ví đựng tiền Kinchaku.
Lễ hội Tanabata Matsuri là một lễ hội có tính tôn giáo rõ nét với sự dung hòa của tín ngưỡng bản địa (Thần đạo) và Phật giáo. Điều này khiến cho nó trở thành một lễ hội đặc trưng không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản.
Lễ hội Sendai Tanabata Matsuri ở Miyagi, Tohoku
Lễ hội Sendai Tanabata Matsuri ở Miyagi, Tohoku
4. Lễ hội Hanagasa Matsuri (tỉnh Yamagata)
Lễ hội Hanagasa Matsuri (花笠祭り) diễn ra từ ngày 5-7/8 hàng năm, được tổ chức từ góc phố Tokamachi đến quảng trường Bunshokan ở thành phố Yamagata, tỉnh Yamagata.
Trong lễ hội, các vũ công được chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm lại mặc một trang phục khác nhau. Có khoảng 100 nhóm trên tổng số 10.000 vũ công tham gia điệu nhảy này. Các vũ công vừa nhảy múa vừa diễu hành, đồng thời reo hò và hô khẩu hiệu “Makkasho Makkasho!” cùng với nhịp trống Hanagasa daiko (花笠太鼓) vui nhộn. Trước đây, các nhóm chỉ biểu diễn một điệu nhảy chung và duy nhất: mặc áo Kimono truyền thống, tay cầm chiếc nón có trang trí hoa (gọi là nón Hanagasa). Tuy nhiên ngày nay, các nhóm vũ công đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu nhảy độc đáo và hấp dẫn hơn với những trang phục vô cùng đa dạng. Trong lễ hội, không phân biệt già trẻ gái trai, người bản địa hay người nước ngoài, tất cả đều có thể nhảy, hò hét và chung vui. Các vũ công nhảy trong không khí tươi vui và náo nhiệt với hàng trăm tiếng reo hò cùng hàng ngàn tiếng vỗ tay của tất cả mọi người dọc hai bên đường. Trong lễ hội, dường như tất cả mọi người cùng hòa chung một nhịp đập.
Lễ hội Hanagasa Matsuri ở Yamagata, Tohoku
Lễ hội Hanagasa Matsuri ở Yamagata, Tohoku
Không chỉ là những lễ hội mùa hè đặc sắc, Tohoku còn là một vùng đất có vô vàn những điều thú vị và hấp dẫn khác. Nếu bạn là một tín đồ thích tìm hiểu và khám phá nét đẹp truyền thống của Nhật Bản, đừng quên ghé thăm mảnh đất Tohoku để cùng hòa mình vào dòng không khí nhộn nhịp của 4 lễ hội mùa hè này nhé!
Xem thêm: Chuyến đi Tohoku đáng nhớ – Lần đầu tiên homestay nhà người lạ và dùng vé seishun 18