Khái lược về Hiến pháp 1946 của Nhật Bản (日本国憲法)

Khi tìm hiểu về Nhật Bản, hẳn các bạn đã nghe đến rất nhiều về Hiến pháp 1946. Bởi vậy, trong khuôn khổ của bài viết này, mình sẽ trình bày một cách sơ lược nhưng đầy đủ nhất về Hiến pháp 1946 của Nhật Bản. Mong các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về Hiến pháp này.

1. Bối cảnh

Trước khi Nhật đầu hàng Đồng minh (15/8/1945), Tuyên bố Postdam ra đời, trong đó có đoạn: “Nhà nước Nhật phải gỡ bỏ mọi cản trở cản trở các xu hướng dân chủ trong nhân dân Nhật. Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng cũng như sự tôn trọng nhân quyền phải được thiết lập”. Bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai đồng nghĩa với việc Nhật sẽ phải chịu sự chiếm đóng của quân Đồng minh. Do đó, từ năm 1945 – 1952, Nhật chịu sự chiếm đóng của quân đội Mỹ, đứng đầu là Douglas MacArthur – Tư lệnh Tối Cao của các Lực lượng Đồng minh.

Tại Hội nghị Potsdam, Douglas MacArthur cho rằng: Để đạt được mục đích dân chủ hóa nước Nhật thì nhất thiết phải sửa đổi Hiến pháp Minh Trị 1889.

Theo đó, sau khi xem xét lại Hiến pháp Minh Trị, tháng 2/1946, phía Nhật Bản viết ra một dự thảo hiến pháp, nhưng Douglas MacArthur không chấp nhận, coi đó là “bình cũ rượu pha” của Hiến pháp Minh Trị, không đáp ứng nhu cầu dân chủ hóa nước Nhật. Cuối cùng ông đã ra lệnh cho văn phòng của mình thảo ra một bản hiến pháp hoàn toàn mới sao cho kịp xong trước phiên họp ngày 26/2/1946 của quân Đồng minh bởi ông không muốn sự can thiệp của Liên Xô và các nước đế quốc khác nhúng tay vào nội tình Nhật Bản. Cuối cùng, bản hiến pháp mới đã được thảo ra chỉ trong vòng một tuần bởi một hội đồng gồm 25 người. Ba người trực tiếp chấp bút cho bản dự thảo hiến pháp này là thiếu tướng Courtney Whitney, trung tá kiêm luật sư Milo Rowell, nữ thông dịch viên Beate Sirota Gordon.

Cuối cùng, sau những buổi bàn thảo quyết liệt vào tháng 3/1946, phía Nhật Bản cuối cùng đã chấp nhận dự thảo hiến pháp do phía Mỹ soạn. Tướng Whitney còn nói rằng nếu nội các Nhật không có khả năng đưa ra một quyết định thích hợp, tướng MacActhur sẽ đem bản dự thảo này ra trưng cầu dân ý. Thiên hoàng lúc bấy giờ là Hirohito, tuy không còn quyền hành nhưng đã viết thư trả lời chính thức ủng hộ hiến pháp mới. Trong bản hiến pháp năm 1946 này, Nhật hoàng được coi là biểu tượng của nhà nước và đoàn kết toàn dân, song đã bị tước mọi quyền hành thực. Mọi hành vi của Nhật hoàng liên quan tới nhà nước phải được sự chấp thuận của nội các chính phủ do thủ tướng đứng đầu. Một cấu trúc lập pháp quốc hội lưỡng viện được thành lập, trong đó thượng viện đóng vai trò thứ yếu. Trừ hoàng gia Nhật, mọi quyền lợi của quý tộc khanh tướng bị bãi bỏ hoàn toàn. Mùa thu năm 1946, đại đa số nhân dân Nhật Bản đã bỏ phiếu ủng hộ các đại biểu tán thành bản hiến pháp mới.

Hiến pháp 1946 Nhật Bản

Hiến pháp 1946 của Nhật Bản

(Nguồn: Nippon.com)

Ngày 3 tháng 11 năm 1946, Hiến pháp mới của Nhật chính thức được Thiên hoàng công bố, và có hiệu lực vào 3/5/1947 (năm Showa thứ 22).

2. Nội dung

Cần lưu ý hai điểm sau:

Thứ nhất, về cấu trúc:

Bản hiến pháp gồm lời nói đầu, 11 chương, 103 điều khoản, cụ thể:

Lời nói đầu: Nói về việc ai tạo ra hiến pháp và nguyên tắc chung trong việc xây dựng hiến pháp. Điểm nhấn ở đây là ở hiến pháp này, nhân dân trở thành nền tảng, cơ sở trong việc xây dựng hiến pháp. Hơn nữa, nhân dân Nhật Bản cam kết ủng hộ lí tưởng hòa bình. “Nhân dân Nhật Bản mong muốn hòa bình vĩnh viễn… Chúng ta mong muốn có được một vị trí đáng kính trọng trong cộng đồng quốc tế đang ra sức duy trì hòa bình và loại bỏ vĩnh viễn chế độ chuyên chế và nô lệ, áp bức và bất công ra khỏi trái đất”.

Nội dung cơ bản của các chương như sau:

  1. Thiên Hoàng (1-8): Thiên hoàng là biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất của dân tộc. Mọi hoạt động của Hoàng đế phải diễn ra trong khuôn khổ của hiến pháp.
  2. Từ bỏ chiến tranh (9): Nhật Bản phủ nhận vĩnh viễn chiến tranh như là một quyền tối cao của đất nước, từ bỏ đe doạ hoặc sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết tranh chấp với các quốc gia khác.
  3. Quyền và nghĩa vụ của công dân (10-40): Công nhận quyền tự do, bình đẳng, yêu cầu, chính trị của dân. Các quyền cơ bản của con người được hiến pháp đảm bảo và là những quyền vĩnh viễn và bất khả xâm phạm.

Bên cạnh đó, người dân cũng phải thực hiện các nghĩa vụ như đóng thuế, không được tước đoạt quyền tự do,…

  1. Quốc hội (41-64): Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Quốc hội có 2 viện là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, trong đó Hạ nghị viện có thẩm quyền hơn Thượng nghị viện.
  2. Nội các (65-75): Nội các thực hiện quyền hành pháp, chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc hội. Đây là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của chính phủ, lập ra chính sách và kế hoạch của chính phủ, chỉ đạo các Bộ, quản lý công tác đối nội và đối ngoại, nộp các đề nghị về lập pháp lên Quốc hội nhân danh tiểu ban thực hiện.
  3. Tư pháp (76-82): Quyền tư pháp do Toà án tối cao và các Toà án cấp dưới sử dụng. Toà án tối cao có quyền quyết định cuối cùng tính hợp hiến của các đạo luật và các văn bản quy phạm.
  4. Tài chính (83-91): Quyền quản lí tài chính quốc gia thực hiện theo quyết định của Quốc hội.
  5. Tự trị địa phương (92-95): Chế độ tự quản địa phương được thiết lập rộng rãi. Các quan chức địa phương đều do dân cử và có nhiều quyền hạn hơn trong thuế và pháp luật.
  6. Sửa đổi Hiến pháp (96): Việc sửa đổi Hiến pháp thì một mình Quốc hội không thể làm được mà quốc dân phải bỏ phiếu tán thành hay phản đối.
  7. Đạo luật tối cao (97-99): Hiến pháp này chính là “đạo luật tối cao”, do đó Thiên hoàng, bộ trưởng, nghị viện quốc hội, thẩm phán, tất cả đều phải có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp này.
  8. Điều khoản bổ sung (100-103)

Thứ hai, Hiến pháp được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc: hòa bình, dân chủ, và tôn trọng các quyền cơ bản của con người.

  • Dân chủ: Tức là dân làm chủ, toàn dân trị nước, dân có quyền quyết định trị nước, và Quốc hội chính là đại diện cho quốc dân, do dân bầu ra. Vì vậy, Quốc hội chính là người thay mặt quốc dân để quyết định việc nước. Đây gọi là “dân chủ theo chế độ đại biểu”. Một kiểu dân chủ nữa là “dân chủ trực tiếp”. Trong hiến pháp lần này có giả sử nếu như có sửa đổi hiến pháp thì một mình quốc hội không thể quyết định được mà phải bỏ phiếu để biết từng người dân phản đối hay đồng ý. Khi đó, quốc dân trực tiếp quyết định việc nước vì vậy đây được gọi là cách làm “dân chủ trực tiếp”. Hiến pháp mới chọn hai cách trị nước là dân chủ theo chế độ đại biểu và dân chủ trực tiếp nhưng chủ yếu là dân chủ theo chế độ đại biểu, dân chủ trực tiếp chỉ giới hạn trong những việc quan trọng nhất.

Như vậy, với Hiến pháp này, quyền lực của Thiên hoàng bị hạn chế, và quyền tối thượng từ Thiên hoàng sang tay Quốc hội – cơ quan của nhân dân thông qua bầu cử. Lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, quyền tối ca thuộc về nhân dân, Thiên hoàng chỉ đóng vai trò tượng trưng cho đất nước. Đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất. Vai trò của Thiên hoàng đơn giản chỉ là biểu tượng của quốc gia và tượng trưng cho sự thống nhất dân tộc.

  • Hòa bình: Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở phủ định khuynh hướng quân phiệt, xâm lược trong quá khứ và quán triệt nguyên tắc hòa bình. Điều 9 của Hiến pháp quy định Nhật Bản từ bỏ chiến tranh, mong muốn một nền hòa bình, an ninh, tôn trọng chính nghĩa, không dùng vũ lực để tranh chấp quốc tế. Nhật Bản sẽ không bao giờ duy trì các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hay các tiềm năng quân sự khác. Nước Nhật không được quyền tham chiến.

Nguyên tắc này đã đánh dấu một bước chuyển biến mới của Nhật từ đế quốc quân phiệt thành một nước hòa bình, từ bỏ lực lượng quân sự riêng, từ bỏ chiến tranh.

  • Tôn trọng các quyền cơ bản của mỗi công dân: Đó là các quyền tự do sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền khiếu nại, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng,…. Đó là những “quyền đặc biệt và bất khả xâm phạm”.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đăng Dung (2012), Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
  2. https://thonsau.wordpress.com/2012/11/30/tro-chuyen-ve-tan-hien-phap-2/
  3. http://countrystudies.us/japan/110.htm
  4. http://www.h-net.org/reviews/showrev.php?id=3609
  5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_Nh%E1%BA%ADt_B%E1%BA%A3n

 

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *