Ngân hàng Nhật Bản

Đặc điểm của hệ thống ngân hàng Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ Hai

Hệ thống ngân hàng sau Chiến tranh thế giới lần thứ II ở Nhật Bản là hệ thống gồm 5 loại chính: Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan, BOJ), Ngân hàng thành phố (都市銀行), Ngân hàng địa phương (地方銀行), Ngân hàng ủy thác (信託銀行), Ngân hàng tín dụng dài hạn (長期信用銀行) và một số loại khác.

Có thể mô tả cấu trúc của hệ thống ngân hàng Nhật Bản thời kì từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II như sau:

Sơ đồ ngân hàng Nhật Bản
Sơ đồ: Hệ thống ngân hàng tại Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II

Về bản chất, đây là một cơ cấu tổ chức khá phức tạp và tinh vi, trong đó gồm nhiều loại ngân hàng, mỗi loại lại chuyên vào một lĩnh vực khác nhau. Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) chính là ngân hàng trung ương tại Nhật Bản, là một bộ phận của Bộ Tài chính và chính phủ có quyền chi phối khá nhiều đến ngân hàng; có vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường tiền tệ và đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Chức năng chính của BOJ: là cơ quan duy nhất phát hành giấy bạc ngân hàng; phục vụ cho các tổ chức tài chính (nhận tiền gửi từ các tổ chức này, chiết khấu hối phiếu, cho vay theo yêu cầu, mua bán chứng khoán, thanh toán các giao dịch giữa các ngân hàng,…); cùng với Bộ Tài chính đưa ra các quy định về lãi suất, dự trữ vốn bắt buộc, các loại dịch vụ; qua mạng lưới các ngân hàng thương mại, BOJ cung cấp vốn đầu tư cho các công ty doanh nghiệp với chi phí thấp nhằm điều chỉnh toàn bộ nền kinh tế; có thể cấp vốn dễ dàng cho các ngân hàng thành phố để các ngân hàng này bù đắp phần thiếu hụt cho việc cho vay quá mức của mình, bảo hộ các ngân hàng này trước sự cạnh tranh của nước ngoài.

Dưới BOJ là các ngân hàng tư nhân, trong đó nổi bật nhất là các ngân hàng thành phố – là những tổ chức tài chính chủ yếu cho các doanh nghiệp lớn vay với lãi suất thấp để phục vụ cho việc tái thiết và tăng trưởng kinh tế thời kỳ sau chiến tranh. Các ngân hàng này nắm giữ một lượng lớn trong tổng số tiền gửi của các tổ chức tài chính Nhật Bản và nắm giữ gần một nửa các khoản cho vay đối với các công ty tư nhân[1].

Các ngân hàng khu vực là các ngân hàng thường đóng trụ sở tại các thành phố lớn của các tỉnh và hoạt động chủ yếu trong phạm vi tỉnh đó. Các khách hàng phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, còn có ngân hàng tín dụng dài hạn (chuyên cho vay dài hạn để thúc đẩy phát triển công nghiệp), ngân hàng tín thác (tham gia vào việc quản lý và điều hành quỹ hưu trí và các quỹ tín thác khác; cho các công ty lớn vay tiền để đầu tư dài hạn) và các ngân hàng khác (các tổ chức tài chính phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp, liên đoàn các hội ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài,…)

Bảng: Các ngân hàng thuộc 3 loại ngân hàng: Ngân hàng thành phố, Ngân hàng tín dụng dài hạn và Ngân hàng ủy thác (tính đến thời điểm năm 1961)[2]

Loại ngân hàng Các ngân hàng
Ngân hàng thành phố

(12 ngân hàng)

Ngân hàng Mitsubishi

Ngân hàng Mitsui

Ngân hàng Sumitomo

Ngân hàng Fuji

Ngân hàng Sanwa

Ngân hàng Daiichi

Ngân hàng Nihon Kangyo

Ngân hàng Tokai

Ngân hàng Daiwa

Ngân hàng Kyowa

Ngân hàng Hokkaido Takushoku

Ngân hàng tín dụng dài hạn

(3 ngân hàng)

Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản

Ngân hàng tín dụng dài hạn Nhật Bản

Ngân hàng Bất động sản Nhật Bản

Ngân hàng ủy thác

(7 ngân hàng)

Ngân hàng ủy thác Mitsubishi

Ngân hàng ủy thác Mitsui

Ngân hàng ủy thác Sumitomo

Ngân hàng ủy thác Yasuda

Ngân hàng ủy thác Toyo

Ngân hàng ủy thác Chuo

Ngân hàng Daiwa (vừa là Ngân hàng thành phố, vừa là Ngân hàng ủy thác)

Phụ lục

[1] Vào thời điểm năm 1997, tại Nhật Bản có tất cả 10 ngân hàng thành phố, nắm giữ hơn 1/3 tổng tiền gửi của các tổ chức tài chính và cung cấp khoảng 40% các khoản vay đối với các công ty tư nhân (Lưu Ngọc Trịnh (2004), Suy thoái kéo dài, cải cách nửa vời – Tương lai nào cho nền kinh tế Nhật Bản?, NXB Thế giới, tr.109)

[2] Bảng được tổng hợp từ tài liệu: エレノア・M・ハドレー(1973)『日本財閥の解体と再編成』小原敬士と有賀美智子監訳、東京経済新聞社、tr.308 và tr.328.

Tài liệu tham khảo

A. Tài liệu tiếng Việt

  1. Lưu Ngọc Trịnh (2004), Suy thoái kinh tế và cải cách nửa vời – Tương lai nào cho nền kinh tế Nhật Bản?, NXB Thế giới
  2. Y. Yoshino (1987), Hệ thống quản lý của Nhật Bản: Truyền thống và sự đổi mới, Tập 2, Ủy ban KHXH và Viện Nghiên cứu Thế giới.

B. Tài liệu tiếng Nhật

  1. エレノア・M・ハドレー(1973)『日本財閥の解体と再編成』小原敬士と有賀美智子監訳、東京経済新聞社。
  2. 橘川武郎(1996)『日本の企業集団・財閥との連続と断絶』 株式会社有斐閣。
  3. 高度成長とその評価 (1975)『戦後の日本経済』中央大学出版部。

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *