Vị trí địa lí vùng Chubu

Địa lí tự nhiên vùng Chubu Nhật Bản

Vùng Chubu (中部地方) gồm 9 tỉnh: Niigata新潟県、Yamanashi山梨県、Nagano長野県、Toyama富山県、Ishikawa石川県、Gifu岐阜県、Shizuoka静岡県、Fukui福井県、Aichi愛知県.

Thủ phủ: Nagoya 名古屋 (Aichi愛知県).

Diện tích: 67.653km2, chiếm 17,9% diện tích Nhật Bản, lớn nhất đảo Honshu và lớn thứ 2 cả nước (chỉ sau Hokkaido).

1. Vị trí địa lí

Vị trí địa lí vùng Chubu

Hình 1: Vị trí địa lí của Chubu

(Theo Theo jref.com)

Vị trí địa lí của các vùng trong cả nước

Hình 2: Vị trí địa lí của các vùng trong cả nước

(Theo Theartofmaryann.wordpress.com)

Chubu  là khu vực nằm ở trung tâm đảo Honshu, và cũng là trung tâm Nhật Bản, rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế – xã hội giữa các vùng trong nước, là cầu nối chiến lược của nhiều vùng miền.

Về vị trí tiếp giáp, phía Bắc và đông Bắc giáp biển Nhật Bản, phía Nam giáp Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho phát triển tổng hợp kinh tế biển (giao thông biển, du lịch biển, thủy sản). Phía Tây giáp khu vực Kanto, là vùng có nền kinh tế phát triển bậc nhất cả nước với nhiều trung tâm công nghiệp lớn, dịch vụ phát triển; phía Tây Nam giáp khu vực Kinki, vùng có lịch sử phát triển từ lâu đời, tập trung nhiều ngành công nghiệp phát triển, dịch vụ đa dạng, thuận lợi cho phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ, nguyên nhiên liệu để phục vụ cho sự phát triển của nội vùng. Phía Đông Bắc giáp khu vực Tohoku, là vùng có ngành trồng trọt khá phát triển (lúa, cây ăn quả,…), là một trong những “trung tâm điện lực” chính của Nhật Bản, từ đó cung cấp nguồn lương thực, điện,… cho vùng.

Với vị trí là trung tâm của Nhật Bản, khu vực Chubu chính là ranh giới chia Nhật Bản thành hai vùng Kanto ở phía Đông và Kansai ở phía Tây, là hành lang nối liền hai vùng này với các tuyến đường Hokurikudo chạy dọc ven biển Nhật Bản ở phía Bắc, Tokaido chạy theo bờ Thái Bình Dương phía Đông Nam, và Chusando ở giữa.

Các tuyến đường Hokurikudo, Tokaido, Chusando

Hình 3: Các tuyến đường Hokurikudo,   Tokaido, Chusando

(Theo blog.livedoor.jp)

Như vậy, với vị trí chiến lược về kinh tế – xã hội, về tự  nhiên, vùng Chubu có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế, giao lưu kinh tế – xã hội với các vùng trong nước.

2. Đặc điểm tự nhiên

2.1. Địa hình

Địa hình Nhật Bản

Hình 4: Địa hình Nhật Bản

(Theo geocities.co.jp)

Địa hình vùng Chubu Nhật Bản

Hình 5: Địa hình vùng Chubu

(Theo kotobank.jp)

Chubu là khu vực có địa hình cao nhất cả nước, với nhiều đỉnh núi cao trên 3000m như Fuji 富士山 (3776m), Kitadake 北岳山(3192m), Hotakadake 穂高岳山 (3190m), 間ノ岳 (3189m),….

Địa hình núi chiếm 4/5 diện tích, với nhiều dãy núi cao. Do đó, bề mặt địa hình bị chia cắt phức tạp, dốc và hiểm trở. Hướng núi nổi bật của vùng là hướng vòng cungvới 3 vòng cung chính là Hida 飛騨山, Kiso 木曽山và Akaishi赤石山.

Do địa hình núi chiếm phần lớn diện tích, nhiều nơi núi lan sát ra biển nên đồng bằng bị chia cắt thành nhiều vùng nhỏ, hẹp, ít phù sa. Hơn nữa, địa hình núi lan sát ra biển còn tạo nên nhiều vũng vịnh nước sâu, là cơ sở để xây dựng các cảng biển.

Khu vực Chubu được chia thành ba vùng: Vùng ven biển Nhật Bản (Hokuriku), vùng núi cao ở giữa (Tosan) và vùng ven Thái Bình Dương (Tokai).

Các dãy núi chính vùng Chubu Nhật Bản   Hình 6: Các dãy núi chính

(Theo transbureau.com)

 

 

Đỉnh núi Fuji

Hình 7: Đỉnh núi Fuji

(Theo kotobank.jp)

Đỉnh núi Kitadake

 Hình 8: Đỉnh núi Kitadake

(Theo kotobank.jp)

Đỉnh núi Hotakadake

Hình 9: Đỉnh núi Hotakadake

(Theo kotobank.jp)

Địa hình Hokuriku nghiêng dần về phía Bắc, độ cao trung bình dưới 600m. Đồng bằng dạng dải, bị chia cắt phức tạp bởi các dãy núi. Một số đồng bằng tiêu biểu là Fukui福井平野, Toyama富山平野, Echigo越後平野,…

Vùng Tosan nằm ở giữa, với 3 vòng cung lớn chạy dài từ Bắc xuống Nam, đó là Hida, Kiso và Akaishi, đây là nóc nhà của Nhật Bản, thường được gọi là dãy Anpơ của Nhật Bản. Đây là một vùng núi phức tạp và trập trùng, tập trung nhiều đỉnh núi cao nhất cả nước như Fuji, Kitadake, Hotakadake, Yarigatake,…. Ở đây có một số thung lũng giữa núi như Nagano長野, Matsumoto松本, Takayama高山, Suwa諏訪, Kofu甲府,….

Vùng Tokai nằm ở phía Nam Chubu, đồng bằng mở rộng hơn về phía Tây Nam. Địa hình nghiêng dần về phía Đông Nam. Đồng bằng tiêu biểu: Nobi濃尾,…

2.2.  Khí hậu

Nhìn chung, khí hậu của vùng ôn hòa, có sự phân hóa đa dạng, phức tạp theo mùa, theo độ cao, đông – tây, và theo các vùng khí hậu.

Do chịu ảnh hưởng của vị trí địa lí, địa hình, gió mùa, hải lưu, nên khí hậu của vùng chia thành 3 vùng, tương ứng với 3 vùng địa hình, đó là vùng khí hậu Hokuriku, vùng khí hậu trên các dãy núi cao, và vùng khí hậu Tokai.

Sự phân chia 3 vùng khí hậu vùng Chubu Nhật Bản

Hình 10: Sự phân chia 3 vùng khí hậu

(Theo cloud.ellipse.ne.jp)

Biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa của 3 tỉnh (đại diện cho 3 vùng khí hậu Chubu Nhật Bản

Hình 11: Biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa của 3 tỉnh (đại diện cho 3 vùng khí hậu)

Vùng khí hậu Hokuriku có sự phân hóa rõ nét theo mùa. Vào mùa đông: lạnh, nhiều mây, mưa tuyết, và có lượng tuyết rơi hàng năm lớn nhất Nhật Bản, có thể phủ dày tới 2-4m. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của dòng biển nóng Tsushima, nên mùa đông không lạnh lắm. Vào mùa hè, trời nóng ẩm, tổng lượng mưa thấp hơn mùa đông. Lượng mưa trung bình năm khá lớn (trên 2000mm), đặc biệt ở Takada (Nigata) là 2880mm.

Vùng khí hậu trên các dãy núi cao mang tính chất nội địa tiêu biểu. Biên độ nhiệt trong ngày và trong năm lớn. Lượng mưa trung bình năm thấp, chỉ khoảng trên dưới 1000mm.

Vùng khí hậu Tokai nhìn chung ấm áp do ảnh hưởng của dòng biển nóng Nihon.  Vào mùa hạ, gió mùa Đông Nam mang theo lượng hơi ẩm lớn từ biển vào gây mưa lớn. Mùa đông rất ít mưa, trời quang đãng. Lượng mưa trung bình năm khá lớn (trên 1500mm), ở Hamamatsu là 1884mm.

2.3. Sông ngòi

Do địa hinh chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn nên hầu hết các sông ở đây nhỏ, ngắn, dốc, nước chảy xiết. Sông bắt nguồn từ vùng núi cao ở giữa, chảy ra biển ở phía bắc và phía nam. Hàm lượng phù sa sông rất ít, do thềm lục địa hẹp, địa hình dốc. Chế độ nước sông theo mùa, trùng với mùa của khí hậu.

Các con sông chính ở Nhật Bản

Hình 12: Các con sông chính ở Nhật Bản

(Theo jikuuprint.jugem.jp)

Sông ở đây có tiềm năng thủy điện lớn, là cơ sở cho việc xây dựng các nhà máy thủy điện, nổi bật là sông Shinano 信濃川(có 5/12 nhà máy thủy điện lớn nhất NB), sông Tenryu天竜川.

Sông bồi đắp nên một số đồng bằng phù sa như đông bằng Fukui (do sông Kuzuryu九頭竜川 tạo nên), Kanazawa (do Tedori手取川 bồi đắp), Toyama (do sông Sho庄川, Jinzu神通川 tạo nên), Echigo (do sông Shinano信濃川, Agano阿賀野川 bồi đắp), Nobi (do sông Kiso木曽川, Nagara長良川, Ibi揖斐川 bồi đắp), là cơ sở để phát triển ngành trồng trọt, đặc biệt là lúa nước, cung cấp nước cho tưới tiêu.

Một số sông chính: Shinano (là con sông dài nhất Nhật Bản – 367km, diện tích lưu vực 11 900km2), Tedori, Kuzuryu,  Kiso, Ibi,…

2.4. Đất đai

Do địa hình 4/5 diện tích là đồi núi, lại nằm trong vùng khí hậu ôn đới, nên đất ở đây chủ yếu là đất xám và nâu ôn đới, đất potdon. Bên cạnh đó, còn có đất phù sa, đất cát nhưng chiếm diện tích nhỏ, phân bố chủ yếu ở các dải đồng bằng phía Bắc và phía Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho trồng trọt (lúa, hoa màu,…). Ngoài ra còn có đất bùn, đất trầm tích (ở các thung lũng), đất đá, đất thô (trên các vùng núi cao).

Sự phân bố đẩt đai Nhật Bản

Hình 13: Sự phân bố đẩt đai

(Theo agri.tohoku.ac.jp)

2.5. Sinh vật

Sinh vật của vùng rất phong phú, đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật cận nhiệt, ôn đới. Một số động vật tiêu biểu: chồn, cáo, cá ngừ,… Thực vật tiêu biểu: sồi, tuyết tùng, các cây bụi lá cứng,…

Sinh vật có sự phân hóa rõ nét theo mùa và độ cao.

2.6. Tài nguyên

Tài nguyên biển: nổi bật với nhiều loài thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các cảng cá.

Tài nguyên rừng: Do địa hình của yếu là đồi núi nên tài nguyên khá phong phú với nhiều rừng quốc hữu ở các dãy núi cao: trên dãy Kiso có rừng cây bách hội hinoki, một trong 3 rừng tự nhiên đẹp nhất Nhật Bản.

Khoáng sản: nghèo nàn, nổi bật là dầu khí (ven biển tỉnh Niigata), kẽm (Gifu), chì (Toyama, Fukui), sắt (Nagoya).

 Sự phân bố các loại khoáng sản chính Nhật Bản

Hình 14: Sự phân bố các loại khoáng sản chính

(Theo mappery.com)

2.7. Thiên tai

Khu vực Chubu có nhiều núi lửa hiện vẫn còn hoạt động, nên tần suất xảy ra động đất cao. Bên cạnh đó còn có 1 số thiên tai khác như bão (tháng 8-9), lũ lụt,…

Tần suất và thời gian bão Nhật Bản

Hình 15: Tần suất và thời gian bão

(Theo neholdingsjapan.blog.fc2.com)

Các núi lửa còn đang hoạt động tại Nhật Bản

Hình 16: Các núi lửa còn đang hoạt động tại vùng Chubu

(Theo data.jma.go.jp)

 

Với điều kiện tự nhiên khá đa dạng, cùng với vị trí địa lí thuận lợi, cho phép vùng phát triển nền kinh tế đa dạng với nhiều ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, vùng còn gặp một số khó khăn (địa hình chủ yếu là đồi núi cao, thiên tai, khoáng sản nghèo nàn,…), gây cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, việc phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn là một vấn đề thiết yếu của vùng.

 

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

2 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *