Chuyện “Thiền”: Trải nghiệm tham gia khóa thiền nguyên thủy Vipassana 5 ngày
Hạn chế tối đa việc giao tiếp, không dùng điện thoại, tắm nước lạnh, hoàn toàn tách biệt xã hội xô bồ, sinh hoạt tập thể, hành thiền và nghe pháp đều đặn 10 tiếng/ngày,… là những gì mình đã trải qua khi tham dự khóa thiền Vipassana trong 5 ngày lễ dịp 30/4-1/5. Trước đó, mình chưa từng học nghiêm túc một khóa thiền nào, và những hiểu biết hạn hẹp của mình về thiền chỉ đơn thuần là chú trọng vào hơi thở khi thực hành. Thế nên những dòng tâm sự này hoàn toàn là những điều mà mình chia sẻ thật tâm của một người mới chập chững học thiền.
Nếu có ai đó hỏi mình là đã nhận được gì sau khóa thiền thì mình sẽ thẳng thắn và chân thành đáp lại rằng “vô cùng nhiều”. Đó không chỉ là sự thay đổi về thân – tâm – trí mà còn cả về cách nhìn nhận và sự quan sát vi tế. Trở lại cuộc sống thường nhật, chắc chắn có nhiều điều mình đã và đang không còn giữ được nghiêm chỉnh như trong khóa, thậm chí còn mắc phải những sai lầm vô tình hay hữu ý, nhưng chí ít còn lưu lại những hạt giống lành đang nảy mầm như làn nước mát chảy tràn trong tâm trí…
1. Lý do mình đăng ký khóa thiền Vipassana (Tứ Niệm Xứ) từ 29/4-3/5
Lúc đầu mình đã có dự định 5 ngày nghỉ lễ này sẽ đi du lịch ở đâu đó hoặc về quê với thầy u. Ấy vậy mà sau khi suy đi tính lại, thấy năm nay lạm phát nên mình đã tạm thời gác kế hoạch du lịch sang một bên để tiết kiệm chút tiền. Còn chuyện đi về quê, thường thì mình chẳng làm được gì khi ở nhà, lúc nào cũng chỉ muốn ngủ và nghịch điện thoại. Thế rồi tự nhiên mình chợt lóe lên trong đầu ý định đi học thiền.
Nghĩ là làm, mình tìm kiếm trên Facebook thì thấy khóa thiền Vipassana miễn phí 7 ngày ở một chùa tỉnh Vĩnh Phúc, do sư cô Hương Thiền trực tiếp hướng dẫn. Khóa thiền này cần đăng ký tối thiểu 5 ngày và khuyến khích 7 ngày. Hơn nữa, Ban Tổ chức sẽ chọn lọc trong số những người đã đăng ký thì mới được đi.
Lý do mình đăng ký khóa thiền đơn giản vì mình muốn chăm sóc nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của bản thân, nâng cao sự tập trung, tỉnh táo và đặc biệt là muốn thay đổi thói quen dậy sớm – điều mà trước giờ mình rất muốn làm nhưng mãi mà chưa làm được.
May mắn là cuối cùng mình lại được Ban Tổ chức chọn. Có lẽ một phần là do mình đăng ký khá sớm và nghiêm túc (sau khi đăng ký xong mình có nhắn thêm trên Zalo để xác nhận với Ban Tổ chức).
Khóa thiền mình tham gia
2. Cần chuẩn bị gì trước khi đi?
2.1. Một số vật dụng cá nhân và không ngại sinh hoạt với nhiều người
Khi đăng ký, Ban Tổ chức có nói trước là sẽ sinh hoạt chung, cần mang thêm chăn gối ngủ đêm, một cuốn sổ để ghi chép lời sư cô dạy (tùy theo yêu cầu của từng khóa, có khóa không được mang sổ ghi chép), bàn chải đánh răng, khăn mặt, dép, quần áo cho nhiều ngày (có thể giặt giũ ở chùa nhưng tốt nhất là hạn chế, vì sinh hoạt cùng nhiều người nên cần tắm rửa vệ sinh nhanh nhất có thể), không có nóng lạnh để tắm nhưng điều này không làm khó mình vì mình không quá tiểu thư và dễ thích nghi.
Do đó, hành lý của mình là đủ 5 bộ quần áo thoải mái (quần ống thụng kiểu alibaba, áo phông rộng rãi), mua chăn văn phòng 99k trên Shopee và vài vật dụng cá nhân. Mình không hay skincare gì nên chẳng mang chút dưỡng da dưỡng ẩm nào.
2.2. Một tâm hồn “đẹp”, dám đối diện với những vấn đề đang gặp phải và cái “tâm” học hỏi
“Khóa thiền này không phải là nơi để trốn chạy khỏi thực tại hay tránh né những vấn đề đang gặp phải”
Hãy cho “thiền” là để đối diện. Sẽ thật sai lầm nếu nghĩ rằng khóa học này sẽ giúp bạn quên đi những thứ bạn không muốn nhớ, trốn tránh những điều mà bạn không muốn làm, vơi bớt những nỗi đau đang gặm nhấm và cắn xé trái tim bạn,… thì hãy nghĩ lại. Thực tế hiện nay có nhiều dòng thiền khác nhau, thậm chí có dòng gọi là tà định, nó sẽ giúp bạn buông xả, vơi bớt và quên đi phiền não, nhưng cái bớt, cái quên này giống như nhổ cỏ mà không tận gốc, nó chỉ đến khi và chỉ khi bạn dám đối diện trực tiếp với vấn đề của chính mình.
Do đó, khi hành thiền, bạn sẽ phải cố gắng “im” và tỉnh thức để thấy mọi gào thét, mọi dao động, mọi sự chuyển hóa, mọi sự vô thường của tâm một cách liên tục. Đó chính là đối diện. Liệu rằng mỗi khi có khúc mắc trong cuộc sống, việc chìm đắm vào những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, những cuộc vui quên mình, những cơn say triền miên mờ mờ ảo ảo chỉ để tạm quên đi những gánh nặng lo nghĩ dù trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, để rồi sau đó lại trở về cuộc sống hiện thực với những khúc mắc chưa được tháo gỡ là một cách hay? Khoan nói đến sự đúng – sai, mình chỉ muốn tự vấn rằng đây có phải là một cách thật sự bạn muốn?
Khi bạn thiền, ý mình là thiền chánh đạo, bạn sẽ phải đối diện với tất cả những góc tối của bản thân. Nhưng đối diện như thế nào cho đúng cách mà không bị chệch hướng, Vipassana sẽ dạy cho bạn cách để đối diện với nó.
3. Thông tin khóa thiền mình đã học
– Địa điểm: Chùa Thanh Sơn, Vĩnh Phúc.
Lúc đầu mình tưởng chùa này là do sư cô Hương Thiền chủ trì, nhưng khi giảng pháp mình mới biết đây chỉ là nơi tổ chức khóa thiền dài ngày do sư cô hướng dẫn mà thôi, còn người chủ trì là một quý sư thầy khác (mình đã gặp sư thầy lúc khai giảng nhưng mình quên mất tên rồi).
Khuôn viên chùa rất rộng, xung quanh có nhiều cây xanh.
– Hướng dẫn: Sư cô Hương Thiền
Ấn tượng đầu tiên của mình là cô rất mạnh mẽ, lý trí, nghiêm khắc. Và đúng là như vậy, khi giảng pháp, cô cũng tự nhận mình là người lý trí và tính cách không khác gì con trai. Cô tâm sự, trước đây cô có một sự nghiệp có thể gọi là thành công, cô đã từng làm marketing nên phải tiếp xúc với rất nhiều người. Cô nói, vì cô là người lý trí và thực tế nên Phật Giáo phải có gì đó sâu sắc, trí tuệ thì cô mới dành cả phần đời còn lại để theo.
Kiến thức của cô rất sâu rộng, thậm chí cô còn nằm lòng các giáo lý của đạo Thiên Chúa do gia đình cô vốn theo đạo Thiên Chúa, chỉ là cô thấy bản thân phù hợp với đạo Phật nên cô đã đi theo đạo Phật mà thôi. (Điều này là tùy người. Có người thấy bản thân hợp với đạo Thiên Chúa thì sẽ đi theo đạo Thiên Chúa, có người thấy bản thân hợp với đạo Phật thì sẽ đi theo đạo Phật. Mỗi người đều chọn cho mình một người thầy khác nhau phù hợp với tính cách và cái duyên của từng người)
– Số lượng thiền sinh: Khóa mình có hơn 110 người. Mình không ngờ là nhiều như thế. Nữ và nam sinh hoạt riêng. Nữ sẽ ngủ luôn ở thiền đường, nam ngủ ở một khu nhà bên cạnh. Mọi người trải chiếu xuống nền ngủ chung, tối có màn chụp để tránh muỗi (2 người/màn).
Cô bảo trong tất cả những khóa thiền cô đã dạy, khóa mình là khóa rất thông minh nhưng lười thực hành 😆 . Cô có đặt câu hỏi nào thì lớp cũng đều trả lời được, thậm chí có nhiều bạn còn đặt thêm rất nhiều câu hỏi với sự tò mò và ham học.
– Một số nội quy chính của khóa thiền:
・Khóa thiền chỉ dành cho người có điều kiện sức khỏe ổn định, không mắc bệnh tâm lý, truyền nhiễm và nằm trong độ tuổi từ 18-65. Có nội quy này là vì phương pháp thiền này chỉ phù hợp với những đối tượng trên. Những đối tượng khác nên chọn một phương pháp thiền khác, vì có thể những kiến thức đến với họ hơi quá sức so với thực trạng của họ.
・100% thiền sinh bắt buộc giữ tối thiểu Năm giới (còn gọi là Ngũ giới), gồm không sát sinh – không trộm cắp – không tà dâm – không nói dối – không uống rượu và các chất say, chất gây nghiện. Bên cạnh đó, thiền sinh được khuyến khích giữ Tám giới (còn gọi là Bát Quan Trai giới), tức là ngoài Năm giới bên trên thì còn thêm: không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát – không nằm ngồi giường cao rộng đẹp – không ăn sái giờ (tức là không ăn quá giờ ngọ, từ 12h trưa đến sáng hôm sau là không ăn, chỉ uống nước).
Mình vẫn còn tham ăn lắm, chưa bỏ được bữa tối nên chỉ dám giữ Ngũ giới thôi. Khóa mình phải 80-90% thiền sinh thực hiện đầy đủ Bát Quan Trai giới. Xịn chưa =)))
・Không sử dụng điện thoại: Để tránh gây xao nhãng.
・Không tụ tập và nói chuyện, nếu có gì khúc mắc thì cần trao đổi với Ban Tổ chức/sư cô: Thiền là hướng vào bên trong để cảm nhận và quan sát chính mình. Do đó, nếu nói chuyện, tức là hướng ra bên ngoài thì sẽ ảnh hưởng đến việc tu tập.
・Thời khóa hàng ngày:
4:30 Chuông thức chúng
5:00 – 6:00 Hành thiền tập trung
6:00 – 7:30 Điểm tâm. Sống thiền buổi sáng
7:30 – 8:00 Tụng kinh và Xin giới
8:00 – 8:45 Hướng dẫn hành thiền
9:00 – 11:00 Hành thiền tập trung
11:00 – 13:30 Ăn trưa và nghỉ trưa
13:30 – 15:00 Hành thiền tập trung
15:15 – 16:00 Pháp thoại
16:00 – 17:30 Hành thiền tập trung
17:30 – 19:00 Uống nước chiều. Vệ sinh cá nhân
19:00 – 20:15 Hành thiền tập trung
20:30 – 21:30 Hỏi đáp/trình pháp
21:30 – 22:00 Vệ sinh
22:00 Tắt đèn
・Đồ ăn: Sáng món chay (có thể là bún, miến xào, khoai luộc, cháo,…). Trưa 3 món chay + 1 món mặn. Tối có hoa quả, mì,.. cho người giữ Năm giới; nước đường gừng, sữa đậu nành cho người giữ Tám giới.
Mặc dù đồ ăn không có nhiều nhưng mình thấy khá ngon. Bản thân mình là người ăn chay, và sau đó là ăn thô (>50%) được khá lâu rồi nên việc ăn chay đối với mình không vấn đề.
4. Nhật ký trải nghiệm từng ngày trong khóa thiền
4.1. Ngày 1: Mưa – Một sự khởi đầu mới
Ban Tổ chức có hỗ trợ thiền sinh ở Hà Nội đặt xe đến chùa (60k/chiều) nên mình đã đăng ký đi xe chung cả đi và về, tổng 160k. Có khoảng hơn 70 người đặt chung xe nên Ban Tổ chức đã thuê hộ chúng mình 2 xe. Điểm đón là Sân bóng Thượng Đình, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (đối diện Royal city), chỉ cách chỗ mình ở hơn 1km.
Vì 7h xe xuất phát nên mình phải đặt chuông đồng hồ lúc 6h để kịp vệ sinh và đi bộ ra điểm đón. Thế nhưng vẫn cái thói tai điếc khi ngủ, chuông báo thức kêu liên tục nhưng mình không nghe thấy gì, tận đến lúc 6h30 mình mới choàng tỉnh dậy. Vội vã vệ sinh cá nhân, mình phi ra khỏi nhà lúc 6h46 với tốc độ tên bắn.
Người tính không bằng trời tính, đã dậy muộn thì chớ, lúc ra cổng nhà thì trời bắt đầu mưa nặng hạt. Một tay cầm ô, một tay kéo vali, mình vừa thở vừa chạy, đến nơi là vừa tròn 7h =))) Lúc mình lên xe, cả áo quần và tóc đều vắt được ra nước, mọi người trên xe nhìn mình với ánh mắt vô cùng thương cảm. Thế nên mọi người cho mình ngồi đầu, ngay cạnh anh tài xế 😂 Xe cũng tình người ghê, có vài bạn không kịp đến do không bắt được taxi nên xe đã đợi đến 7h30 mới lăn bánh.
Mình vô cùng ấn tượng một anh trong Ban Tổ chức – người đã hỗ trợ và đồng hành cùng chúng mình trên chuyến xe – bởi sự quan tâm nhẹ nhàng với đồng nghiệp khi anh mở đầu cuộc nói chuyện điện thoại với một anh khác ở chiếc xe bên kia. Câu nói mở đầu ấy không phải là “Xe đi đến đâu rồi?” hay “Có tắc đường không?” mà là “Có mệt không?”. Chỉ cần một câu hỏi han đơn giản vậy thôi, một sự quan tâm chân thành vậy thôi mà trong cuộc sống này có bao nhiêu người làm được điều đó?
Khoảng 9h30 xe mình đến nơi, còn một xe khác thì đã đến trước xe mình 15 phút trước. Mình vội thay quần áo khô do quần áo mình đang mặc đang bị ướt rồi nhanh chóng lên thiền đường.
Sau khi đọc kinh sáng và khai giảng xong thì đến giờ ăn trưa. Mọi người xếp thành 2 hàng nam nữ riêng biệt để lấy cơm, ăn và sau đó tự rửa khay cơm của mình rồi phơi trên giá trong im lặng (vì theo nội quy là không nói chuyện).
Các bạn xếp hàng lấy cơm trưa
Chiều + tối mình được học thiền ngồi, thiền đi và nghe sư cô giảng pháp. Trong phương pháp thiền mình được chỉ dạy, bước đầu tiên khi thiền là cần phải thả lỏng thư giãn, sau đó mới đến bước quan sát, quán tưởng. Lúc bắt đầu học thiền ngồi, chỉ sau 3’ mình đã chìm vào giấc ngủ (thuật ngữ chuyên ngành gọi là “hôn trầm”). Sư cô nói là: “Do lúc đầu chưa quen nên cơ thể không biết điều chỉnh được mức độ thư giãn phù hợp. Nếu thư giãn quá ít, dùng lý trí kiểm soát trạng thái hiện tại thì sẽ gây ra căng thẳng. Nếu thư giãn quá nhiều thì sẽ ngủ gật (hôn trầm). Do đó phải thư giãn vừa đủ, và chỉ khi thực hành chăm chỉ và đúng thì mình mới điều chỉnh được mức độ ở giữa, sao cho cơ thể thư giãn nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo”.
Cả ngày hôm đó do quá mệt nên khi tắt đèn lúc 22h mình đã chìm vào giấc ngủ luôn.
4.2. Ngày 2: Ngủ gật – Liệu mình có qua được 5 ngày ở đây không?
“Kenggg….” – 4:30 tiếng chuông chùa vang lên, đã to lại còn kéo dài. Nếu ở nhà là mình cay cú đập điện thoại rồi ấy. Trước đó, hiếm ai có thể đánh thức được mình, đến nỗi mẹ mình còn nói: “Cái Xuân mà ngủ thì người khác có bỏ vào bao rồi mang ra sông cũng không biết!” cơ mà. 😂
Quằn quại dậy và đi rửa mặt, mình quay lại thiền đường để thiền đi và thiền ngồi cùng mọi người. Do không quen dậy quá sớm nên mình đã ngủ gật trọn vẹn cả sáng hôm đó. Lúc thiền đi thì vừa đi vừa nhắm mắt. Lúc thiền ngồi thì vừa ngồi vừa gật gù, thậm chí có lúc mình còn sắp lăn người xuống dưới sàn =)))
Mình chưa quen ngồi thiền. Mới chỉ 6-7’ khoanh chân là chân mình đã tê cứng, 10’ là tê như cả thế giới sụp đổ. Khi hành thiền, tí tí mình lại duỗi chân ra đấm đấm xoa xoa. Hơn nữa, các dòng suy nghĩ linh tinh cứ chạy liên tục trong đầu mình, cơ thể ở chùa nhưng tâm trí bay lên tận vũ trụ.
Còn khi thiền đi, do phải đi chậm để quan sát nên vừa đi được 20’ là mình lại bị đau ở phần thắt lưng.
Mình được hướng dẫn cả cách nằm thiền lúc ngủ trưa và đứng thiền vào buổi chiều.
Kết thúc một ngày với tấm thân đau ê ẩm do chưa quen thiền. Ôi chà, mới hết ngày thứ 2 thôi sao? Còn tận 3 ngày nữa, liệu mình có vượt qua được không đây?
4.3. Ngày 3: Vẫn ngủ gật và đau người – Thiền khó quá, sao mình thiền mãi mà không có hiệu quả thế?
Mình vẫn phải vật vã lắm mới dậy được. Vẫn ngủ gật nguyên cả sáng do chưa quen giấc.
Mình được ôn tập cách thiền đi, thiền ngồi, thiền đứng và thiền nằm. Cả ngày có 5 lần thiền thì 4 lần ngủ gật, chỉ có duy nhất 1 lần tỉnh táo vào cuối buổi chiều, tiến bộ hơn hôm trước được 1 lần tỉnh táo. Tuy nhiên chân thì vẫn tê, không thể nào trụ được quá 20’; lưng thì vẫn đau.
Sao mình mãi mà không điều chỉnh được mức độ thư giãn thế nhỉ? Cứ đà này thì mình không học được cách thiền sau khi kết thúc khóa mất! Mình đi ngủ nhưng phải trằn trọc thêm 1 tiếng mới ngủ được.
4.4. Ngày 4: Tỉnh táo – Yayyy, mình cảm nhận được những điều mà thiền đang mang lại rồi!
Mình thức giấc khoảng 3h gì đó nhưng vô cùng tỉnh táo mặc dù hôm qua ngủ muộn hơn mấy hôm trước. Do chưa đến giờ dậy nên mình lại cố ngủ tiếp cho đến khi chuông đánh lúc 4h30. Mình dậy trong sự minh mẫn và hoàn toàn không buồn ngủ chút nào.
Cả ngày mình đều tỉnh táo. Mình khoanh chân được 30’ mà không thấy tê. Khi hành thiền, tâm của mình đã bình ổn hơn rất nhiều, đôi khi có những dòng suy nghĩ xoẹt qua nhưng không đáng kể. Mình đã quan sát và cảm nhận được những chuyển động, sự thay đổi của cơ thể rõ nét hơn. Lưng mình lúc thiền đi cũng không còn đau nữa.
Mình thấy vui vì sự thay đổi tích cực này. Mới hôm qua còn nản mà hôm nay khác quá ^^
4.5. Ngày 5: Lưu luyến – Trở về với Hà Nội xô bồ và chia tay những người bạn
Vẫn là một ngày tỉnh táo với mình. Mình được ôn luyện cả thiền đi, thiền ngồi, thiền nằm và thiền đứng. Đối với thiền ngồi, có tổng cộng 5 bước nhưng đến ngày cuối cùng, mình mới chỉ dừng lại ở bước thứ 4 thôi, vì để sang được bước thứ 5 là cần phải thực hành nhiều hơn. Mình sẽ cố gắng chăm chỉ thiền khi trở về Hà Nội.
Lúc sư cô chào tạm biệt và căn dặn chúng mình – những người chỉ đăng ký tham gia được 5 ngày, sống mũi mình đã hơi cay cay. Nhưng mà không sao, mình không nên chấp niệm, bởi vạn vật trên thế gian này luôn vô thường, đến rồi đi như một sự tất yếu, ta không thể cố nắm giữ thứ gì, kể cả xấu hay tốt.
Con cảm ơn sư cô rất rất nhiều vì đã hướng dẫn con và chia sẻ cho con những góc nhìn sâu sắc trong cuộc sống. Cảm ơn các bạn thiền sinh vì đã đồng hành cùng mình trong suốt 5 ngày vừa qua.
Ban Tổ chức tặng sách cho các bạn trước khi về nhà
5. Mình đã nhận được gì từ khóa thiền
5.1. Một cái đầu tỉnh táo và bước đầu có sự cảm nhận vi tế
– Đầu óc tỉnh táo hơn rất nhiều, giống như máy tính cài lại Win vậy. Khi về Hà Nội làm việc, mình rất ngạc nhiên vì có ngày mình ngủ cực ít (chưa đến 4 tiếng) mà hôm sau vẫn vô cùng tỉnh táo.
– Bước đầu cảm nhận được sự chuyển động vi tế, sự kỳ diệu của những tế bào trong cơ thể qua những bước chân, ăn, đứng, đi,…
– Bước đầu cảm nhận được “tâm” tham, sân, si của bản thân và “tu” cho bản thân ngày một tốt hơn.
5.2. Thay đổi thói quen dậy sớm
Như mình đã chia sẻ ở mục 4 (nhật ký từng ngày), mình là kiểu người mà điện thoại dù có dí sát vào tai cũng không nghe thấy gì khi ngủ. Đợt trước lúc nào mình cũng phải cài báo thức ở điện thoại và Ipad, mỗi thiết bị có ít nhất 2 cái báo thức, mỗi báo thức lặp lại 5’/lần cho đến khi tự tắt.
Thế nhưng sau khi kết thúc khóa này mình đã trở thành early bird rồi haha. Mình sẽ cố gắng giữ thói quen tốt này – cái mà trước đây mình đã cố gắng nhưng mãi mà không được.
Hai ngày cuối của khóa thiền, mình đã cảm nhận được lợi ích của việc dậy sớm. Trước đây mình đã cố gắng dậy sớm và duy trì được khoảng một tuần, đến ngày thứ 7 mình thấy vô cùng mệt và mất tập trung nên đã nghĩ rằng mình không phải là tuýp người dậy sớm và không cố ép bản thân nữa. Tuy nhiên, khi trải nghiệm khóa thiền, chỉ sau 5 ngày mình đã có thể dậy sớm và mình vẫn còn giữ được thói quen dậy sớm trước khi mặt trời mọc dù đã kết thúc khóa thiền.
Mình nghĩ rằng, khi bạn biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần, có thể là qua thiền, thì bạn hoàn toàn có thể làm chủ được bản thân và trở về đúng với giờ giấc sinh hoạt tự nhiên. Thầy Minh Niệm cũng đã từng nói: Năng lượng đất trời buổi sáng rất tinh anh (điều mà trước đây mình biết nhưng đã không nhận ra); và nếu con người chúng ta cũng tinh anh nữa thì khi hai cái kết hợp với nhau thành một khối tinh anh, nuôi dưỡng năng lượng qua lại cho nhau, điều đó rất tuyệt vời.
5.3. Kiến thức đầy triết lý và bác học về Phật giáo nói chung, thiền và các yếu tố trong thiền nói riêng
– Không nhầm tưởng các vị Phật với nhau: Đức Phật A Di Đà có trước → Đức Phật Thích Ca Mâu Ni → Đức Phật Lạt-ma,…
– Khóa mình học là thiền Vipassana (còn gọi là Tứ Niệm Xứ) – thiền nguyên thủy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tức là chưa hòa trộn với văn hóa tín ngưỡng địa phương.
Trong thiền Vipassana lại có nhiều dòng thiền khác nhau, mỗi dòng tập trung vào 1 trong 4 đối tượng chính: thân, thọ, tâm, pháp. Mình là học thiền quán tâm, tức là lấy “tâm” là đối tượng chính, thân – thọ – pháp là đối tượng phụ.
Thêm nữa, khi thiền cần chú ý 4 thái độ (vô tham, vô sân, vô si), 3 mục đích (phát triển trí tuệ, vô thường, vô ngã)
Note: Mình học theo phương pháp “thiền quán” chứ không phải “thiền định”. Mình được biết là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở thành Thánh nhân là nhờ thiền quán chứ không phải thiền định. Ngày nay, thiền định là phương pháp thiền phổ biến nhất, giúp tâm được thư giãn và thả lỏng. Còn khi thực hành thiền quán là bắt buộc tâm phải chăm chỉ quan sát, học hỏi, nhận biết, không được lười biếng.
– Thiền có 3 loại kết quả:
・Tăng sức khỏe: luân xa, nhân điện…
・Tăng sự cảm nhận của các giác quan (thần thông). VD: Con mắt thứ ba.
→ Khi các giác quan tăng lên thì sẽ nhìn được sự vận hành của vũ trụ đúng đắn hơn. Tuy nhiên cần cẩn thận vì dễ sinh tự cao (bản ngã tăng), dễ bị lợi dụng hoặc mang đi lợi dụng (tâm Tham).
・Tăng Trí Truệ + Đạo đức. Người có Tâm linh cao = Trí tuệ cao + Đạo đức cao, và có 1 số hệ quả phụ: Sống đơn giản, biết đủ, giải thích dễ hiểu, thần thông,…
→ Giảm tâm bất thiện (tham – sân – si), cuộc sống vui vẻ, hiểu biết hơn.
Note: Vipassana mình học là hướng đến kết quả thứ 3.
– “Tâm” có nhiều loại, và cũng có nhiều cách phân chia. Trong đó có 3 loại tâm chính”
・Tâm khách (Ngũ thức, gồm: Nhãn thức – Nhĩ thức – Tỷ thức – Thiệt thức – Thân thức)
・Tâm phản ứng: gồm Tâm bất thiện (Tham – Sân – Si) >< Tâm thiện (Vô tham – Vô sân – Vô si)
・Tâm chủ: gồm Tâm chánh niệm – Trí tuệ
– Vô tham – Vô sân – Vô si:
① Vô tham: Không kẹt xỉ, ki bo, hào phóng, biết cho đi, giúp đỡ không toan tính.
→ Cách học:
・Học cách bố thí cúng dường
・Muốn ít, biết đủ
・Đi ngược lại với ham muốn
・Quán tưởng về sự chết
・Quán tưởng về sự vô thường
②Vô sân: Không nóng giận, sân hận, không cau có => nhẹ nhàng, đánh giá khách quan
→ Cách học
・Luyện tâm “từ” (yêu thương mọi người, không sân hận)
・Quan sát chính mình (mình biết mình rồi thì khi người ta có nói gì thì mình vẫn tự tin tìm lại sự quân bình của chính mình)
・Tự kiểm điểm chính mình
③Vô si: biết đúng sai, phải trái, sáng suốt, nghĩ gì cũng thấu đáo, sâu sắc, có sự chủ động trong suy nghĩ => ham học, luôn nghiên cứu, tìm tòi, có sự cầu tiến trong tư duy, hạnh phúc => thông minh, tự tin
→ Cách học:
・Chăm chỉ học, nghe, tìm hiểu => sau đó cần tư duy, đúc kết lại cái gì đã nhớ, đã quên
・Đem những kiến thức đã học để thực hành, chiêm nghiệm
→ Tất cả không phải là “của tôi”. Mình không có quyền sở hữu, mình chỉ có quyền sử dụng mà thôi.
– Khi hành thiền, nếu ta quan sát tâm bất thiện thì nó sẽ xấu hổ và dần biến mất; nếu ta quan sát tâm thiện thì nó sẽ ngày càng phát triển và mạnh lên.
Nếu ta càng phản ứng với những điều không mong muốn thì điều đó sẽ càng trầm trọng hơn. Nếu ta quan sát nó với thái độ khách quan thì nó sẽ dần mất đi. VD: Khi bạn ngứa, nếu bạn liên tục gãi và để ý cái ngứa, bạn sẽ càng ngứa; còn nếu bạn coi nó chỉ là một trạng thái, nhìn nó với cái tâm khách quan thì cái ngứa sẽ không còn. Bạn thử để ý mà xem!
5.4. Những bài học đắt giá trong cuộc sống
– Đừng mong chờ điều kỳ diệu gì nếu không nỗ lực. Hãy cố gắng và nỗ lực, đừng bao giờ thả trôi bởi như thế sẽ đưa đến những hậu quả không tốt, tâm bất thiện sẽ hiện lên.
– Xây dựng nền tảng, chăm sóc khu vườn của bản thân thật tốt rồi mới chia sẻ những điều tốt đẹp cho người khác. Bởi bản thân có tốt thì mới chia sẻ được những điều tốt.
– Phát triển thiện tâm đến đâu thì hạnh phúc đến đó.
– Học cách sống với bản thân mình: Hãy sống cho chính mình, hãy yêu thương chính mình. Vì mình sống với chính mình 24/7.
– Sống ở hiện tại, đừng suy nghĩ quá nhiều về quá khứ hay tương lai vì đó là những thứ trong tưởng tượng, chỉ có hiện tại là thật mà thôi.
– Buông so sánh và kỳ vọng. Mọi thứ đều liên tục đổi thay – đó là điều bạn cần nhớ để không mang theo gánh nặng của sự kỳ vọng trong quá khứ.
– Đằng sau mọi hành động, lời nói đều có “tâm”. Nhưng không phải tất cả “tâm” đều tham gia.
– Đối diện mọi thứ với cái tâm quân bình bởi vạn vật luôn vô thường, sinh diệt là tất yếu. Do đó, niềm vui hay nỗi buồn, thất bại hay thành công đều là những đám mây đến rồi đi. Hãy đón nhận và quan sát chúng một cách thật khách quan và bình tâm.
Nghe cô giải đáp thắc mắc của các bạn vào buổi tối. Cả ngày hóng nhất là giờ này vì chân tay được xõa thoải mái 😀
5.5. Những người bạn đồng thiền đáng yêu và thiện lành
Mình đã quen được rất nhiều bạn bè thiện lành. Đối diện với sự thay đổi và lo toan trong cuộc sống, ai cũng có ít nhiều tham – sân – si nhưng chúng mình có điểm chung là đều đang hướng tới những điều tốt đẹp, đều cố gắng tu sửa chính mình để mang lại giá trị cho tất cả mọi vật, mọi sự xung quanh.
Học xong khóa thiền, mình đã có suy nghĩ là, bất cứ ai đã từng trải qua và không bỏ cuộc trong khóa học thiền Vipassana ít nhất >5 ngày (không phải ngắn hơn; học thiền Vipassana ở đâu cũng được) hầu hết đều là những người ít nhiều có sự kỷ luật, đáng tin cậy, dễ thương và đáng mến.
6. Những sự thật có thể bạn không biết về thiền Vipassana
– Thực tế, logic và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, sự nghiêm túc của thiền sinh là những từ mình muốn nói về thiền Vipassana. Khóa thiền 5-7 ngày đọng lại trong mình không phải chỉ có màu hồng, sự tịnh tâm, tinh tấn mà thiền mang lại, mà còn có cả những khó khăn mà mình cần vượt qua.
Điều đó có nghĩa là, Vipassana không thể giúp bạn giải quyết vấn đề theo cách vi diệu, huyền bí mà nó sẽ chỉ cho bạn cách đối diện và xử lý những vấn đề của mình theo cách đầy thực tế. Bạn phải là người đối diện chứ không phải ai khác. Và Vipassana sẽ giúp bạn nhìn thẳng vào bản chất tâm của chính mình, quan sát và nhận biết chúng, sau đó tự gỡ rối những nút thắt và chất chứa trong tâm – những thứ mà trước đây khi chưa đủ trí tuệ, bạn đã làm cho chúng sinh sôi nảy nở trong vô thức.
– Thiền Vipassana là phi tôn giáo. Bất cứ ai cũng có thể tham gia, từ những người theo Thiên Chúa giáo, Phật giáo, cư sĩ, tu sĩ,…
– Điều quan trọng khi hành thiền Vipassana là xây dựng khả năng tỉnh thức liên tục, chánh niệm liên tục và hay biết liên tục. Đối tượng để biết là cái gì cũng được, là bất an cũng được, là bình an cũng được, là không có hiện tượng gì đặc biệt cũng được, và có một hiện tượng đặc biệt gì đó cũng được. Công việc của thiền sinh chỉ là dùng tâm quan sát nó đến và đi một cách khách quan.
– Vipassana là phải thực hành chăm chỉ và duy trì liên tục.
Khóa thiền chỉ là nơi gieo vào tâm một hạt giống duyên lành và tỉnh thức. Để tâm mình ngày càng sáng và không trở về như cũ, mỗi thiền sinh chúng mình tất nhiên là phải thực hành sau khi kết thúc khóa. Cái khó không phải là gác lại mọi thứ để tu tập 5 ngày, rồi về nhà lại chứng nào tật đấy mà cái khó chính là sự DUY TRÌ, sự thực hành đều đặn trong cuộc sống hằng ngày. Thật sự rất thử thách.
Ai sau khi trở về cũng đều phải đối diện với công việc, gia đình, đi kèm với nó là trách nhiệm và cả những thú vui thế tục. Duy trì hành thiền mỗi ngày đòi hỏi cả sự quyết tâm, kỷ luật, nỗ lực và hy sinh rất lớn: hy sinh những những lạc thú, những nuông chiều của bản thân để có thêm 1-2 tiếng mỗi ngày thực hành nghiêm túc. Bởi vậy cho nên, câu chuyện hành thiền chỉ thật sự bắt đầu sau khi khóa thiền kết thúc, chứ không phải là ở trong khóa thiền. Thực hành sao cho mỗi ngày dù phải đối diện với lo toan, áp lực, bộn bề vẫn là một ngày bình tâm, tâm vẫn giữ được sáng suốt và tinh tuệ.
Lời kết
Phải nói là đây là 5 ngày DÀI nhất trong cuộc đời mình từ trước đến giờ. 5 ngày mà cứ ngỡ như 5 tháng. Tại sao lại như vậy? Bởi vì 5 ngày này mình không được sử dụng điện thoại – cái mà khiến cho thời gian của mình trôi qua nhanh nhất, không hướng ra bên ngoài để tìm kiếm bất cứ thứ gì, nhiệm vụ của mình chỉ là hướng vào bên trong, quan sát thật kỹ và giải quyết những vấn đề tồn đọng của chính mình. Nghe thì rất đơn giản nhưng thực tế không hề đơn giản chút nào, mình phải làm rất nhiều việc với chính mình chứ không phải là cứ đờ đẫn đi lại hay ngồi nhắm mắt khoanh chân là xong. (Khi mới hành “thiền đi” trong 2 ngày đầu, bọn mình buộc phải đi thật chậm để tập quan sát. Thật xin lỗi vì lúc đó mình đã cười mọi người khá nhiều vì nhìn thấy mọi người đi cứ lờ đà lờ đờ như zoobie 😆 tất nhiên là mình cũng đi như vậy 😆 bây giờ tự sám hối haha)
Hiện nay có nhiều khóa thiền dài hơn, chẳng hạn 10 ngày, 1 tháng, 2 tháng,… Những khóa đó bạn sẽ có nhiều trải nghiệm hơn. Khóa 5 ngày này mình tham gia chỉ là một khóa rất ngắn, sau khóa mình vẫn còn phải rèn luyện, tìm hiểu và học hỏi rất nhiều. Mình không nói 5 ngày đã biến mình trở thành một con người hoàn toàn khác mà mình chỉ muốn chia sẻ những thứ mà mình đã trải nghiệm. Mỗi người tham gia khóa thiền đều sẽ có những trải nghiệm khác nhau nhưng tất cả đều thấy tâm quân bình sau khi vượt qua 5 ngày. Có thể bạn không tin những gì mình chia sẻ , và tốt nhất là bạn cũng đừng nên tin! Hãy tự bản thân mình trải nghiệm rồi cảm nhận bạn nhé! Vì nếu bạn tin tưởng tuyệt đối một cách mù quáng thì đó không khác nào là m.ê.t.í.n cả.
2 bình luận
Hạnh
Hi Xuân, cám ơn vì đã chia sẻ trải nghiệm của bạn. Mặc dù thỉnh thoảng ở nhà mình cũng cố tập thiền nhưng thú thật mình cảm giác mình không thiền được nên muốn tham gia khóa thiền này để hiểu rõ hơn về bản thân, nhưng mình đang lưỡng lự không biết nên tham giá khóa 5 ngày hay 10 ngày cho người mới bắt đầu như mình. Theo bạn mình có nên tham gia những khóa thiền dài hơn không. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
lovelifex
Xin lỗi bạn vì mình phản hồi muộn.
Khóa này mình nghĩ tốt nhất nên là 10 ngày thì mới thấy rõ sự thay đổi (người mới bắt đầu cũng ok).
Chúc bạn nhiều niềm vui và sức khỏe ^^