Chính sách xóa bỏ Zaibatsu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai

Cho đến trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai năm 1945, trình độ tập trung của các zaibatsu đạt mức rất cao với tổng số vốn của 4 zaibatsu lớn nhất (bao gồm Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Yasuda) lên đến 24,5%. Vì sức mạnh kinh tế của zaibatsu gắn với sự phát triển của chủ nghĩa quân phiệt nên ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, Bộ Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh GHQ buộc phải giải thể các zaibatsu như một chính sách để phát triển kinh tế.

1. Chính sách của Mỹ

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc sau sự kiện Nhật Bản đầu hàng đồng minh không điều kiện vào tháng 8/1945. Với sự kiện đó, Nhật Bản đã trở thành một nước bại trận sau nhiều năm chạy đua chiến tranh. Lúc này, Nhật Bản phải đối mặt với hàng loạt các tổn thất nặng nề mà chiến tranh để lại với nền kinh tế què quặt, hoang tàn, đời sống nhân dân lầm than, cực khổ, và hoàn toàn không có vị thế gì trên trường quốc tế. Đây là thời kì tăm tối nhất trong lịch sử Nhật Bản, nước Nhật hoàn toàn bị lâm vào tình cảnh kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Không những thế, Nhật Bản cũng phải chịu sự chiếm đóng của lực lượng quân Đồng minh, chủ yếu là lực lượng quân Mỹ, từ tháng 9/1945 đến tháng 4/1952. Trong vòng 7 năm, chính quyền Nhật Bản chỉ hoạt động trên danh nghĩa, do đó, những chính sách quan trọng do chính quyền Nhật ban hành đều phải chịu sự chấp thuận của lực lượng chiếm đóng. Lực lượng này tuy chỉ nắm quyền lãnh đạo gián tiếp nhưng lại là cơ quan đưa ra quyết định cho những chính sách cải cách cơ bản về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội Nhật Bản sau chiến tranh. Ngày 6/9/1945, Mỹ đã gửi cho tướng Douglas MacArthur –  người giữ chức Tổng chỉ huy tối cao của lực lượng quân Đồng minh, văn bản chính thức đầu tiên về các chính sách liên quan đến việc cai trị nước Nhật. Ngày 10/9/1945, Tư lệnh tối cao của lực lượng đồng minh (SCAP/GHQ) đã chính thức công bố các chính sách này.

Thực chất, mục đích của chính sách này là “Phi quân sự hóa về kinh tế”, “khuyến khích các lực lượng dân chủ”, xóa bỏ sự tập trung, độc quyền trong sản xuất kinh tế và chiếm hữu tài sản, nhằm ngăn chặn sự phục hồi của giới tài phiệt để mở đường cho quá trình dân chủ hóa về kinh tế và tài chính. Theo đó, chính sách tập trung vào thực hiện đồng thời ba cải cách lớn: Thủ tiêu tình trạng tập trung quá mức sức mạnh kinh tế mà trọng tâm là các zaibatsu, cải cách ruộng đất và dân chủ hóa lao động.

Hai zaibatsu lớn tiêu biểu của Nhật Bản trước Thế chiến II

Với mục đích đó, để có thể giải thể được các zaibatsu, năm 1945, SCAP đã thành lập “Ủy ban giải quyết vấn đề công ty cổ phần”, hơn nữa, vào tháng 4/1947, lực lượng đồng minh còn ban hành “Luật chống độc quyền”. Đến tháng 12/1947, “Luật thủ tiêu tình trạng tập trung quá mức sức mạnh kinh tế” tiếp tục được ban hành. Rõ ràng là, việc giải thể các zaibatsu là một trong những điểm đáng chú ý nhất của chính sách. Ngay từ đầu, SCAP đã xác định rằng các zaibatsu cần phải được giải thể sớm, bởi các tập đoàn tư bản này không chỉ là các tổ chức để duy trì quan hệ kinh tế mang đặc trưng phong kiến, đặc biệt là trong quan hệ giữa chủ và thợ, kìm hãm tiền lương,… mà còn là lực cản cho sự phát triển tự do của nền kinh tế trong nước, hạn chế sự thành lập của các hãng kinh doanh độc lập, ngăn cản sự phát triển của một thể chế dân chủ ở Nhật Bản. Hơn nữa, SCAP còn coi mối liên kết giữa giới quân phiệt nắm quyền và những người đứng đầu trong các tập đoàn zaibatsu là nền tảng, cơ sở sức mạnh của đế quốc Nhật Bản, là nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất hiện tư tưởng bành trướng, xâm chiếm thuộc địa của Nhật Bản. Bởi vậy cho nên, các zaibatsu đã cộng tác với giới quân sự trước và trong chiến tranh, các zaibatsu có sức ảnh hưởng quá mạnh đến chính trị thời kì trước chiến tranh, đều phải bị trừng phạt và phá hủy.

Để “dân chủ hóa” nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh, quan niệm của GHQ là thiếp lập một mô hình công ty với những đặc điểm sau: kiểm soát từ bên trong công ty, phân tán rộng rãi quyền sở hữu công ty đến các cổ đông thể nhân, hạn chế đến mức tối thiểu cổ đông pháp nhân, tài chính công ty dựa vào thị trường chứng khoán.

Theo đó, “Ủy ban giải quyết vấn đề công ty cổ phần” (HCLC – Holding company liquidation committee) đã tiến hành công việc quốc hữu hóa những zaibatsu hàng đầu. HCLC đã thực hiện các nội dung chính sau. Một là, 10 gia đình zaibatsu (gồm Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Yasuda, Nissan, Furukawa, Okura, Nakajima, Nomura và Asano) phải chuyển giao số cổ phần mà họ nắm giữ cho HCLC trên cơ sở các quy định trong một bản hướng dẫn của GHQ. Hai là, công ty mẹ và các công ty con của chúng cũng phải bị giải tán[1].

Thực hiện theo nội dung trên, 10 zaibatsu lớn nhất đã bị giải thể. Tuy nhiên sau đó, phái đoàn Edward[2] cho rằng: lệnh phải giải tán phải được áp dụng với cả những công ty có cơ cấu sở hữu theo thứ tự thứ bậc hình chóp giống như công ty mẹ, nên có 83 công ty cổ phần nằm trong diện giải tán. 83 công ty đó được quy về 3 loại công ty sau: Một là, công ty cổ phần mẹ, gồm các công ty cổ phần mẹ của các gia đình lớn và các công ty cổ phần nhỏ hơn của các gia đình này ở địa phương. Hai là, các công ty hạt nhân của 10 zaibatsu lớn như công ty kim loại Sumitomo, công ty công nghiệp nặng Mitsubishi,… Ba là, các công ty lớn tương đối độc lập, gồm một số zaibatsu mới hình thành và một số công ty ở ngành dệt. Và kết quả là có tổng cộng 83 công ty cổ phần và 57 zaibatsu đã phải giao nộp tài sản. Đồng thời, những người đứng đầu các zaibatsu cũng bị loại bỏ, tài sản của họ bị phong tỏa. Hơn nữa, SCAP còn đánh thuế lũy tiến vào những cá nhân hay tập đoàn kinh tế tư nhân có sở hữu tài sản lớn: đánh thuế 25% đối với tài sản 100.000 yên, và 90% đối với tài sản trên 15 triệu yên[3]. Thuế lũy tiến đánh vào thu nhập hay lợi tức cũng được ấn định khiến cho việc tiếp lũy tư bản trở nên hết sức khó khăn.

Với việc ban hành “Luật chống độc quyền” (Anti-Trust Law, tháng 4/1947), các công ty công nghiệp chế tạo đã bị cấm việc thu mua, nắm giữ cổ phần của các công ty khác; các tổ chức tài chính cũng bị hạn chế mức sở hữu cổ phần dưới 5% tại các công ty khác. Hơn nữa, cùng năm, “Luật giao dịch chứng khoán phỏng theo mô hình Mỹ” cũng được ban hành, quy định: cấm các ngân hàng cấm sở hữu, bảo lãnh hay mua bán chứng khoán công ty một cách trực tiếp hoặc gián tiếp[4].

Ít lâu sau, “Luật thủ tiêu tình trạng tập trung quá mức sức mạnh kinh tế” đã được thông qua (tháng 12/1947), và dự đến hết tháng 2/1948, HCLC sẽ giải tán 325 công ty nắm quá nhiều sức mạnh kinh tế[5]. Trước áp lực này, nhiều công ty đều bị chia nhỏ. Và hai trường hợp phân chia mạnh nhất là công ty thương mại Mitsubishi Shoji (180 – 250 công ty) và Mitsui Bussan (140 công ty)[6]. Quá trình thanh lý cổ phần của các zaibatsu được thực hiện bởi “Ủy ban điều phối thanh lý và chứng khoán” (Securities Coordinating and Liquidation Committee – SCLC). Không phải tất cả cổ phần của công ty bị thanh lí đều được đem bán ra thị trường tự do, mà trước hết chúng được ưu tiên bán lại cho những cá nhân hoặc tổ chức tài chính đã từng là cổ đông hoặc chủ nợ của công ty, một lượng nhất định với giá danh nghĩa. Ưu tiên thứ hai là dành cho các giám đốc mới và nhân viên công ty. Ưu tiên thứ ba dành cho cư dân địa phương nơi có trụ sở của công ty đó. Sau cùng thì cổ phần mới được đem bán công khai trên thị trường. Tuy nhiên, có một lưu ý là, không một cá nhân nào được phép mua hơn 1% cổ phần một công ty, nhằm tránh việc tập trung sức mạnh kinh tế vào tay một cá nhân.

Việc giải thể các zaibatsu không chỉ dừng lại ở việc thủ tiêu cơ cấu quản lí hình chóp (là hình thái cơ cấu quản lý đặc trưng của các zaibatsu trước chiến tranh) ở các công ty, tổ chức tư bản độc quyền, mà còn loại bỏ cả các chủ tịch, gia đình zaibatsu, nhà quản lý sở hữu và kiểm soát các công ty đó. Một trong các đặc điểm nổi bật của các zaibatsu là luôn tồn tại mối quan hệ về nhân sự chồng chéo phức tạp giữa cổ phần công ty mẹ và các công ty con (do việc nắm giữ cổ phần). Vì vậy, cần phải phá vỡ những mối quan hệ này. Và công việc này được thực hiện chủ yếu thông quan chương trình “thanh lọc kinh tế”, trong đó có cả việc thanh lọc các nhà quản lí. Việc thanh lọc này bắt đầu từ sự triển khai Chỉ thị do GHQ ban hành vào tháng 1/1946 kêu gọi loại bỏ “chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa dân tộc cực đoan” Những người nằm trong phạm trù này là bao gồm tất cả những người đã nắm giữ các chức vụ quan trọng trong 245 công ty lớn trước ngày 2/9/1945. Kết quả là có tổng cộng trên 2000 giám đốc phải từ chức[7].

Hơn nữa, vào tháng 1/1948, “Luật loại bỏ sự kiểm soát của các gia đình zaibatsu” (Law for Termination of Zaibatsu Family Control) được ban hành, yêu cầu không chỉ có các chủ tịch, người đứng đầu các zaibatsu bị loại bỏ mà còn có cả các nhà quản lý chịu ảnh hưởng của các gia đình zaibatsu phải rời vị trí cũ của họ. Do vậy, có 145 quản lý buộc phải từ chức[8]. Đặc biệt, đối với các công ty thuộc 10 zaibatsu lớn nhất, không chỉ có chủ tịch, mà tất cả các giám đốc bị coi là có quan hệ huyết thống với gia đình zaibatsu đều buộc phải nghỉ hưu hoặc cấm tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong vòng 10 năm.

2. Chính sách của Chính phủ Nhật Bản

Giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ hai có thể được coi là thời kỳ hoàng kim của các tập đoàn tài phiệt zaibatsu. Trong thời kỳ đó, các zaibatsu không chỉ là những tổ chức kinh tế  – chính trị hùng mạnh mà còn là nơi thực hiện nhiều chính sách xâm lược của Nhật Bản. Nói khác đi, mối quan hệ giữa chính phủ Nhật và zaibatsu là mối quan hệ “cộng sinh”, trong đó zaibatsu đóng vai trò quan trọng  trong việc hoạch định các chính sách của giới quân sự, cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội, phục vụ các cuộc chiến tranh xâm lược theo mục đích của chính phủ Nhật Bản; ngược lại, chính phủ Nhật Bản cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự vươn lên mạnh mẽ của các zaibatsu. Tuy nhiên, việc thua trận trong Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II đồng nghĩa với việc bị lực lượng quân đồng minh chiếm đóng. Do đó, chính phủ Nhật Bản buộc phải thi hành những chính sách xóa bỏ các zaibatsu bằng việc ra nhiều sắc lệnh khác nhau theo yêu cầu từ phía GHQ.

Tháng 11/1946, để tiếp tục giải quyết quan hệ sở hữu trong các công ty con của các zaibatsu, Thiên hoàng đã ra “Sắc lệnh hạn chế sở hữu cổ phần trong công ty”. Sắc lệnh chỉ rõ những công ty nào là công ty con của zaibatsu và yêu cầu phải chuyển giao cổ phần của chúng cho “Ủy ban giải quyết vấn đề công ty cổ phần”. Đồng thời, những công ty này cũng bị cấm mua cổ phần của các công ty khác[9].

Hơn nữa, theo “Sắc lệnh số 233” mà Thiên hoàng đã ban hành, không chỉ cổ phần của các công ty bị giải tán được giao cho HCLC, mà cả quyền bầu cử của những cổ phần này cũng được giao cho HCLC.

Với hai sắc lệnh trên, việc tập trung quyền sở hữu đã bị quản lý nghiêm ngặt. Sau đó, “Sắc lệnh số 567” tiếp tục được đưa ra, trong đó quy định: cổ đông nào sở hữu hơn 10% cổ phần một công ty sẽ bị loại ra khỏi công ty đó. Mục địch của quy định này là ngăn chặn không cho bất kỳ cổ đông nào có quyền gây ảnh hưởng lớn đến quyết định của một công ty.

Kết lại

Như vậy, có thể nói mục đích chính của Lực lượng quân đồng minh chiếm đóng tại Nhật Bản là triệt hạ sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong đó, việc giải thể các zaibatsu được coi là một trong những trụ cột trong chính sách của GHQ. Vì vậy, quyền lực của các zaibatsu bị suy yếu nhanh chóng, những trụ cột kinh tế của Nhật Bản đã tồn tại từ lâu đời bị sụp đổ. Các zaibatsu theo nghĩa trước chiến tranh dường như không còn nữa. Tuy vậy, những chính sách này lại có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh. Việc giải thể các zaibatsu không chỉ làm giảm thiểu tình trạng độc quyền về kinh tế mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh tư do cho các công ty nhỏ, độc lập, nhờ đó mà hoạt động kinh tế của các công ty Nhật Bản cũng trở nên dân chủ hơn.

※ Chú giải:

[1] T.Buck, Malcolm Tull (1998), The law and market forces: Anglo – American contributions to Japanese and German corporate governance after World war II, Economics Department, Murdoch University, p.5

[2] Phái đoàn Edward: là phái đoàn được Mỹ cử đến để làm nhiệm vụ giải thể các zaibatsu

[3] Nguyễn Văn Kim (2003), Nhật Bản với Châu Á – Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế xã hội, NXB Đại học Hà Nội, tr.530

[4] Lưu Ngọc Trịnh (2004), Suy thoái kéo dài, cải cách nửa vời – Tương lai nào cho nền kinh tế Nhật Bản, NXB Thế giới, tr.195

[5] Lưu Ngọc Trịnh (2004), Suy thoái kéo dài, cải cách nửa vời – Tương lai nào cho nền kinh tế Nhật Bản, NXB Thế giới, tr.200

[6]Mitsui Bussan, Chosen to Sozo, 1976, tr.120

Mitsubishi Shoji, Công ty Mitsubishi, tr.135

[7] Aoki Masahiko, Hyung-ki Kim (1997), Corporate governance in Transitional economies: Insider control and the Role of banks, World Bank’s Economic Development Institute, World Bank Publication, p.3

[8] R.Clark (1994), Công ty Nhật Bản, Viện Kinh tế thế giớ, tr.74

[9] Lưu Ngọc Trịnh (2004), Suy thoái kéo dài, cải cách nửa vời – Tương lai nào cho nền kinh tế Nhật Bản, NXB Thế giới, tr.199

Chú ý: Cấm được sao chép dưới mọi hình thức hoặc khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *